Mỗi năm, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường - nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu - và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Sau khi đem lại tiện ích trong ít phút, những chiếc túi nilon, cốc nhựa, ống hút... sẽ bị vứt bỏ ra môi trường và phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy. Vì vậy, nếu không có những biện pháp cấp bách kịp thời, sự tồn tại của chúng trong tự nhiên sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như sức khỏe con người.
Tính trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Túi nilon hiện diện khắp nơi trong đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng. Trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số chúng đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và đích đến cuối cùng phổ biến của chúng, không phải các cơ sở tái chế hay xử lý, mà là biển và đại dương, “góp phần” đáng kể vào hơn 8 triệu tấn nhựa mà dân cư toàn thế giới đổ ra đại dương mỗi năm!
Rác thải nhựa tràn ngập
Rác thải nhựa, trong đó có túi nilon tấn công môi trường biển, không còn là mối đe dọa, mà đã thực sự gây ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Tác hại nguy hiểm nhất của rác nhựa chính là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật…
Hàng triệu tấn chất thải nhựa sẽ tiếp tục tồn tại hàng thế kỷ dưới đại dương, gây tổn thương hệ san hô, làm biến đổi môi trường sống và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển.
Hiện nay, những “đại dương ngập rác” đã giết chết 1,5 triệu động vật mỗi năm và loài người vẫn chưa có giải pháp nào xử lý được. Chúng cũng làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, gây độc hại cho môi trường. Khi bị đốt, chúng tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan - những chất tồn tại lâu dài và kịch độc đối với sự sống.
Nguồn: Sưu tầm