Sau thời gian dài được ở nhà để phòng tránh dịch bệnh COVID-19, thời điểm học sinh trở lại trường học lại đúng vào mùa nắng nóng, thêm thời tiết thất thường, dễ mưa vào các buổi chiều, là cơ hội thuận lợi cho nhiều bệnh bùng phát. Trong đó, đáng kể nhất là bệnh nhiễm siêu vi như: sốt siêu vi, cảm cúm…, bệnh đường hô hấp như: viêm phế quản, hen suyễn…, bệnh lý đường tiêu hóa như: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn… và một số bệnh lây nhiễm khác như quai bị, thủy đậu, viêm não… Trong khi, trẻ em lại rất dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, sức đề kháng còn yếu, nhạy cảm với việc thay đổi môi trường. Nắng nóng kéo dài còn khiến nhiều trẻ em đổ bệnh do giải nhiệt không đúng cách, như: để chế độ máy điều hòa quá thấp kéo dài, ngâm mình trong nước lạnh quá lâu, hay lạm dụng đồ ăn, nước uống quá lạnh...
Thời tiết nắng bức cũng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn, đây là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…
Nắng nóng gay gắt nên nhiệt độ tương đối cao rất dễ làm tăng nguy cơ say nắng, sốc nhiệt đối với những người di chuyển nhiều ngoài trời nắng… Trẻ nhỏ, người cao tuổi, những người béo phì và những người rối loạn bài tiết mồ hôi cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sốc nhiệt sẽ để lại những biến chứng và hậu quả nặng nề, thậm chí dẫn đến tử vong.
Cách phòng bệnh mùa nắng nóng cho trẻ
Nên rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng không chỉ phòng Covid-19 mà còn giúp phòng bệnh tay chân miệng và nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa khác như thủy đậu, tiêu chảy, sởi… Nhà cửa thông thoáng thì vừa phòng Covid-19 vừa bớt lo cả sốt xuất huyết; môi trường sạch sẽ, thoáng đãng cũng làm các vi khuẩn gây bệnh khác khó sinh sôi nảy nở hơn. Dùng máy lạnh đúng cách, không để nhiệt độ phòng quá lạnh sẽ giúp không bị nhiễm lạnh.
Ăn uống hợp vệ sinh: việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ qui định an toàn vệ sinh thực phẩm của bộ Y tế, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Tăng cường lượng dịch uống: để bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống chọi với bệnh tật.-
Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt: như rửa tay sạch sẽ - đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.
Tạo môi trường sống trong lành và an toàn: giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, phụ huynh có thể tạo thói quen ngủ mùng, tham gia phong trào diệt lăng quăng,… để thực hiện tốt phương châm "nhà không lăng quăng thì không bệnh sốt xuất huyết".
Tiêm ngừa đầy đủ: tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vaccine sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng này.