NHỮNG BẬC TÔN SƯ NỔI TIẾNG TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
Từ xưa, nhân dân ta đã coi trọng vị trí của người thầy trong xã hội. Có biết bao câu ca dao, tục ngữ thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, ví dụ như : Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Không thầy đố mày làm nên ; Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Theo quan niệm của Nho giáo thì vị trí người thầy được đề cao chỉ sau vua và trên cả cha mẹ. Truyền thống tôn sư trọng đạo ngày nay vẫn được nhân dân ta gìn giữ và phát huy, tuy hình thức đã có nhiều thay đổi. Để hiểu thêm về điều này cũng như những người thầy nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua cuốn sách “ Những bậc tôn sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam”. Sách do nhà xuất bản thời đại ấn hành năm 2014 với khổ 21cm, sách dày 238 trang.
Trên khắp đất nước Việt Nam, có những vùng nổi tiếng là đất học với truyền thống học hành, đỗ đạt qua nhiều đời như Kinh Bắc, Thăng Long, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế… với những dòng họ nổi tiếng đem lại vinh quang cho quê hương, đất nước. Nhưng không thầy đố mày làm nên, những người Thầy chưa hẳn là người giỏi nhất nhưng là người tìm và mài giũa những viên ngọc thô để nó trở nên sáng bóng và rực rỡ nhất.
Trong cuốn sách này đã tinh chọn 29 nhà sư phạm xuất sắc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam từ xưa đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Những gương mặt các bậc tôn sư ưu tú, đại diện cho tài năng và đạo đức của dân tộc ta, những tấm gương về sự uyên bác, đức độ của người thầy giáo – những nhân cách lớn trong lịch sử, xuất thân trong những gia đình có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; có cống hiến quan trọng sự phát triển nền giáo dục Việt Nam, đào tạo được nhiều học trò là những danh sĩ, danh thần nổi tiếng, có đóng góp xuất sắc cho đất nước của các triều đại trước đây.
Và nổi bật lên giữ muôn ngàn danh sĩ Việt Nam chính là người thầy Chu Văn An. Chu Văn An (1292 – 1370) không theo con đường khoa cử đỗ đạt làm quan, mà ở nhà mở trường dạy học. Ông nổi tiếng khắp nước về đức độ và kiến thức uyên bác. Một số học trò của Chu Văn An đã đỗ đạt cao, làm quan đầu triều như Phạm Sư Manh, Lê Quát… nhưng vẫn một lòng kính phục thầy; mỗi lần tới thăm đều cung kính chắp tay lạy tạ thầy. Năm 1325, thầy Chu Văn An được triệu vào cung dạy dỗ các hoàng tử, sau đó nhận chức Tế tửu nhà Thái học, tức Hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám. Sau khi ông mất, để tỏ lòng kính trọng và biết ơn, vua Trần Nghệ Tông đã tôn vinh Chu Văn An là Quốc sư, ban cho ông tên hiệu là Văn Trinh và thờ ở Văn Miếu. Ông được nhân dân ta tôn làm “ Vạn thế sư biểu” nghĩa là “người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời”. Trần Nguyên Đán đã đánh giá về những đóng góp của ông nhờ có ông mà bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”.
Truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta cần được tiếp thu có sáng tạo và phát huy hơn nữa trong giai đoạn lịch sử mới hội nhập với thế giới. Trên con đường học vấn đầy gian nan, thử thách, thầy cô giáo vừa là người dẫn đường chỉ lối, vừa là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi chúng ta. Qua cuốn sách giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử ngành giáo dục của Việt Nam cũng như tôn vinh những người Thầy đã âm thầm góp sức xây dựng quê hương.
Mời thầy cô và các em cùng đọc!
Trong tháng này thư viện xin được giới thiệu đến các em học sinh và thầy cô một số cuốn sách theo chủ đề tháng 11:
1. Bài học yêu thương của thầy.
2. Người thầy.
3. Đề tặng thầy cô.
4. Thầy là tất cả.
5. Mái trường thân yêu.