Kính thưa các thầy cô giáo! Thưa toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Hòa chung với không khí cả nước hân hoan đón chào 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019) Sự hi sinh, gian khổ những người bộ đội, những người chiến sĩ quả cảm trải qua trong chiến tranh, những ý chí, nghị lực, sự kiên cường, dũng cảm chiến thắng kẻ thù xâm lược của bộ đội ta là dấu ấn sâu đậm, mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà.
Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, chi đội 5A2 xin trân trọng gửi đến quý thầy cô cùng tất cả các bạn HS cuốn sách “
Nhật ký Đặng Thùy Trâm” - cuốn nhật kí thời chiến của một nữ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm rung động trái tim của rất nhiều độc giả ở mọi lứa tuổi. “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là cuốn sách do nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập dựa trên hai cuốn nhật ký của Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Sách do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2009 với độ dày gần 300 trang được in trên khổ 13 x 20,5 cm.
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Trong mỗi chúng ta ai đã từng đọc qua cuốn sách, chắc hẳn không thể nào quên được những trang nhật ký rực lửa bởi máu và nước mắt của người con gái ấy. Một con người bằng xương, bằng thịt như bao nhiêu con người lại mang trong mình một con tim bất diệt của tình yêu thương và sự căm thù. “Đặng Thùy Trâm” - cái tên làm rung động biết bao người dân Việt. Những dòng suy tư sâu kín của một người con gái chứa đựng bao nỗi niềm, trăn trở của cuộc sống thường ngày.
Cuốn sách đã thu hút người đọc ngay từ những trang đầu tiên qua lời giới thiệu và câu chuyện về những tấm lòng và số phận kì lạ của cuốn nhật ký. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ ấy, cuốn nhật ký đã vô tình rơi vào tay một người lĩnh Mỹ để rồi sau gần một phần ba thế kỉ lưu lạc, đúng vào dịp kỉ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/2005 nó đã trở về với gia đình liệt sĩ. Vậy tại sao người lính Mỹ này khi nhặt được cuốn nhật kí lại không đốt nó đi, mà lại phải mất bao nhiêu công sức để tìm và trao trả cho người thân của nó? Tại sao cuốn nhật ký có sức mạnh diệu kỳ đến vậy ? Trong cuốn nhật ký đó có thực sự “có lửa” hay không? Vì sao cuốn nhật kí lại được xuất bản tại 20 nước với 16 thứ tiếng? Từ cuốn nhật ký, một bộ phim nhựa “Đừng đốt” đã hoàn thành, một bệnh viện đã được xây từ đóng góp của bạn đọc và nhiều con số cảm động khác. Tất cả những điều đó đã khiến chúng ta phải tò mò, muốn đọc và tìm hiểu cuốn nhật ký đầy tình yêu này.
Chủ nhân của cuốn nhật ký chính là liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Chị sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Tốt nghiệp đại học năm1996, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường Quảng Ngãi. Ở đó, chị được phân công phụ trách một bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Trong vai trò là một nữ bác sĩ / chị luôn yêu thương mọi người, chia sẻ với nỗi đau của người bệnh, chăm sóc thương binh hết lòng. Đến ngày 22/6/1970 trong một chuyến công tác từ vùng núi về đồng bằng, chị bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi.
Cuốn nhật ký gồm hai phần chính:
Phần I: quyển 1. Từ năm 1968 đến năm 1969
Phần II: quyển 2. Năm 1970
Tuy không phải là một nhà văn nổi tiếng, nhưng với cách viết nhật ký mộc mạc, chân thành, Thùy Trâm đã khiến cho người đọc như được quay ngược thời gian, trở về với
những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Những trang nhật ký của chị giống như một cuốn phim quay chậm trước mắt chúng ta hiện ra bao đau thương, mất mát, khó khăn gian khổ khiến người đọc không khỏi xúc động nghẹn ngào. Ở trang 27 chị viết
“Hường ơi? Hường đã chết rồi sao? Mình nghe tin mà bàng hoàng như trong cơn ác mộng. Bao giờ cho hết xót xa này – nay một người ngã xuống, mai lại một người ngã xuống. Xương máu đã chất cao như ngọn núi căm thù sừng sững trước mắt chúng ta. Bao giờ! Bao giờ và bao giờ hỡi các đồng chí ? Bao giờ mới đuổi hết lũ quân uống máu người không tanh ấy ra khỏi đất nước chúng ta”. Chị trăn trở băn khoăn: “
Không lẽ quyển sổ nhỏ này cứ ghi tiếp mãi những trang đầy máu hay sao. Nhưng Thùy ơi! Hãy ghi đi, ghi cho đầy đủ tất cả những máu xương, mồ hôi nước mắt của đồng bào ta đã đổ hai mươi năm nay. Và ở những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh sinh tử này, mỗi sự hy sinh càng đáng ghi đáng nhớ nhiều hơn nữa”….
Mở đầu trang nhật ký chị đã viết:
“Đời người phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”, phải chăng đó là phương châm sống để chị vượt qua những tháng ngày gian khổ? Khó khăn biết mấy khi phải chỉ huy cả bệnh xá chống chọi lại với những trận càn khủng khiếp của kẻ thù. Và đau đớn thay khi phải chứng kiến biết bao cái chết. Chị còn ghi nhận cái ngày được đứng vào hàng ngũ của Đảng, sau thời gian phấn đấu để được trở thành người cộng sản chân chính, chị rất chạnh lòng đau xót trong khi làm lễ mặc niệm cho những chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, của Tổ Quốc.
Các bạn ạ! Trong cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, ngoài những trăn trở trong cuộc sống của một chiến sĩ cách mạng
thể hiện lý tưởng và khát vọng sống cao đẹp, những ghi chép của chị còn trải rộng ra tình cảm bao la đó là
“tình người”. Phải chăng trong lửa đạn ác liệt, khoảng cách giữa sự sống và cái chết mong manh làm cho con người ta gần nhau hơn, dễ hiểu nhau hơn và hi sinh vì nhau nhiều hơn.
Nhật ký chấm dứt ngày 20.6.1970. hai ngày sau 22.6.1970 chị đã hy sinh.
Cuộc chiến tranh thật khốc liệt, sự hy sinh diễn ra từng ngày, từng giờ và chị đã hòa lẫn trong muôn ngàn người đã lặng lẽ hy sinh vì Tổ Quốc, điều đáng tôn vinh hơn là chị đã hy sinh trong tư thế đối đầu với giặc. Một vết đạn sâu đã ghim ngay giữa trán chị và một điều đáng tự hào nữa trước lúc chết chị đã hô to khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm! Đả đảo đế quốc Mỹ”.
Gấp cuốn nhật kí lại trong lòng lại mở ra bao cảm giác miên man khó tả, trào dâng nỗi xúc động vô bờ. Một người con gái mới 27 tuổi, một người con gái mộng mơ, thích hát, một người con gái tưởng chừng như yếu đuối ấy lại được nung rèn từ ngọn lửa của dân tộc. Người con gái mang trong tim mình một nghị lực phi thường để suốt đời tận tâm với Tổ Quốc, hiến dâng cả cuộc đời mình cho đất nước.
Dòng thời gian cứ trôi đi, mỗi con người chỉ xuất hiện một lần trong cuộc đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Do đó chúng ta phải biết tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi của cuộc đời để sống hết mình cho những lí tưởng cao đẹp, để không phải nuối tiếc và ân hận khi thời gian trôi qua, không phải nuối tiếc vì những năm tháng sống hoài, sống phí.
“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo, đã phần nào bù đắp những đau thương, mất mất của dân tộc trong những thời kì ác liệt nhất. Một lần nữa hãy nhìn lại để đi tới, Đặng Thùy Trâm là một que diêm bùng cháy le lói, có thể sẽ tắt vụt đi nhưng nó lại thắp sáng lên bao que diêm khác. Và những que diêm của lớp trẻ hiện nay hãy nhìn vào người nữ anh hùng ấy để tự thắp lên trong tim mình ngọn lửa của niềm tin yêu và hi vọng của lí tưởng cao đẹp.
Kính thưa các thầy cô cùng toàn thể các bạn!
Có những mất mát, đau thương không bao giờ vơi được, cũng như có những điều sẽ sống mãi cùng nhân loại sẽ ẩn hiện trong tận đáy sâu tâm hồn của chúng ta. “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” đã rực cháy, đang rực cháy và mãi mãi sẽ rực cháy đến sau này. Và giờ đây hãy để cho ngọn lửa ấy cháy mãi và chị sẽ hóa thành bất tử từ trong cái chết. Lồng ngực thanh xuân của chị đầy ắp hoài bão, ước mơ về hạnh phúc, không loại trừ cả uẩn khúc và nỗi đau. Chị đã trở thành “bông hoa bất tử” mà hương sắc đã tan vào lòng đất mẹ để đem lại ngày mai tươi đẹp cho tổ quốc.
Chúng ta - những thế hệ con cháu được thừa hưởng cuộc sống hoà bình, độc lập, được sống, học tập và tu dưỡng dưới mái trường thân thiện thì những dòng nhật ký của nữ bác sĩ- liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm rất cần thiết với chúng ta. Nó như động lực thúc đẩy chúng ta phải cố gắng học tập và rèn luyện để xứng đáng với sự mất mát, hy sinh của các thế hệ đi trước.
Trên đây là cuốn sách “
Nhật ký Đặng Thùy Trâm” có trong thư viện lớp 5A2 và thư viện trường Tiểu học Ái Mộ B. Hy vọng các bạn sẽ tìm đọc chúng, yêu thích và ngày càng đam mê đọc sách. Cảm ơn các thầy, cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!