Hình tượng anh bộ đội cụ Hồ đã trở nên thật gần gũi, thân thương, là một biểu tượng đẹp, rất đáng tự hào của người Việt Nam. Những hi sinh, gian khổ mà họ trải qua trong chiến tranh; những ý chí, nghị lực, sự kiên cường, dũng cảm chiến thắng kẻ thù xâm lược của bộ đội ta là dấu ấn sâu đậm, mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. 22/ 12 hàng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân ta thể hiện niềm tự hào và biết ơn sâu sắc những chiến sĩ đã đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các bạn một cuốn sách - cuốn nhật kí thời chiến của một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm rung động trái tim của rất nhiều độc giả, ở mọi lứa tuổi.
Bạn đọc thân mến, các bạn đang nhìn thấy một cuốn sách bình thường như bao cuốn sách khác, nhưng mong các bạn hãy tĩnh tâm lại giây phút, nhìn vào chân dung một con người hiện hình trên trang bìa và đọc vào dòng chữ dưới tên sách: “ Nhật kí thời chiến Việt Nam”. Khi đó các bạn sẽ thấy trước mắt mình bây giờ không phải là cuốn sách bình thường nữa mà là một cuộc đời, một số phận đại diện cho thế hệ thanh niên Việt Nam thời chiến.
Các bạn sẽ thấy một trái tim, một tâm hồn của một người chiến sĩ cách mạng. Cuốn sách đặc biệt của ngày hôm nay có một cái tên rất trẻ, tràn đầy sức sống: “Mãi mãi tuổi hai mươi”. “Mãi mãi tuổi hai mươi" là cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (1952-1972) được bắt đầu viết từ ngày 2/10/1971 (thời gian đầu của cuộc đời quân ngũ) và kết thúc ngày 24/5/1972 (trước khi hành quân vào tuyến lửa) do Nhà Xuất Bản Thanh Niên giới thiệu tháng 5-2005 là cuốn nhật ký đầy dặn và khá hoàn chỉnh do nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm và giới thiệu. Cuốn sách với khổ 13x19cm dễ cầm, dễ đọc và có thể là cuốn sách bỏ túi để đem theo bên mình và mở ra đọc mỗi khi rảnh rỗi.
Bạn đọc thân mến, người các bạn gặp trên trang sách này là một người trai Hà Nội. Khi anh bước chân vào ngưỡng cửa Đại học là khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang thời kì căng thẳng, ác liệt nhất. Anh học giỏi cả “xã hội” và “tự nhiên” như thời ấy thường nói, nghĩa là cả văn và toán. Ở Trung học, anh đoạt giải nhất thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Ở Đại học, anh là sinh viên xuất sắc của khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh có thể được chọn một con đường khác vào đời. Nhưng anh và cả thế hệ anh, năm tháng ấy đã cởi áo sinh viên để khoác lên mình áo lính. Không có sự lựa chọn nào khác khi Tổ quốc lâm nguy, bởi “Cuộc đời đẹp nhất của thanh niên là trên trận tuyến đánh quân thù”.Và anh, một thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, đã chấp nhận và dấn thân, dấn thân không theo nghĩa hiện sinh mà theo nghĩa yêu nước, “Nước còn giặc còn đi đánh giặc, đánh đến cùng mới thôi”…
Bạn đọc thân mến, người trai Hà Nội ấy đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất Quảng Trị 45 năm về trước. Hôm nay, sau 42 năm ngày chiến tranh khép lại, các bạn đang có trên tay mình những tâm tình của anh qua cuốn sổ nhật kí quân ngũ anh ghi trong quãng thời gian huấn luyện tân binh.
Nguyễn Văn Thạc đã ghi chép rất kĩ những điều mắt thấy, tai nghe và cả những điều anh cảm nhận được. Đó là chuyện về gia đình những người dân nơi anh đóng quân, chuyện về những anh lính cùng đơn vị, về những cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đoàn...Có nhiều chuyện vui, nhưng có cả những chuyện buồn. Dưới cái nhìn tinh tế, giàu cảm xúc của người lính trẻ, bạn đọc sẽ cảm nhận được sâu xắc tình quân dân nồng ấm, anh bộ đội cụ Hồ luôn được nhân dân tin yêu; cảm nhận được tình đồng chí keo sơn, gắn bó của các chiến sĩ trên đường chiến đấu,... Bên cạnh những kỉ niệm ấm áp đó, người lính trẻ cũng thật đau đớn, chua xót khi phải chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh:
“Làng xóm chìm trong tang tóc và bóng đêm”, nhân dân nghèo đói; chứng kiến sự hi sinh, mất mát của đồng đội mình. Tất cả, đã để lại trong lòng người chiến sĩ trẻ những dấu ấn sâu đậm, để thôi thúc, để thổi bùng ý chí quyết tâm chiến đấu với kẻ thù xâm lược.
Ngay từ đầu, cuốn nhật ký đã mở ra những trang đẹp nhất của tâm hồn anh với khát vọng ra đi, lý tưởng chiến đấu và ý thức trách nhiệm vì Tổ quốc. Anh viết: “Mình đã bắt đầu sống có trách nhiệm từ đâu, từ lúc nào? Có lẽ là từ 9/3/1971, tháng ba của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu và hoa bằng lăng nước” và anh khát khao: “Chóng tới gia đình lớn. Nơi ta gửi gắm thời thanh xuân của mình”. Xuyên suốt cuốn nhật ký là khát vọng được vào tuyến lửa, giáp mặt quân thù.
Trong nhật kí, Nguyễn Văn Thạc viết:
“Không, suốt đời ta không quên, ta không quên cảnh em bé miền Nam đập tay lên vũng máu. Dưới tay em lẽ ra là chậu nước trong mát - cái biển mênh mông của tuổi thơ hồn nhiên, nhí nhảnh...”
“Bây giờ cái khao khát nhất của ta - cái day dứt trong ta là khi nào được vào miền Nam, vào Huế, Sài Gòn - xọc lê vào thỏi tim đen đủi của quân thù. “Và trước lúc hi sinh, anh vẫn nói với đồng đội
“chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa...bao dự định còn dang dở." Anh đã hi sinh khi tuổi mới 20.
Bên cạnh dòng “suy nghĩ” cuốn nhật ký “
Mãi mãi tuổi hai mươi” cho ta thấy những “sự kiện” hay nói đúng hơn hình ảnh đất nước và con người Việt Nam một thời khói lửa chiến tranh vừa đau thương ác liệt vừa bình dị, vừa dữ dội vừa yên lành.
Vượt lên lối ghi chép đơn giản, thông thường của một cuốn nhật ký, “
Mãi mãi tuổi hai mươi” mang tầm vóc của một tác phẩm văn chương đích thực.
Tấm gương của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là minh chứng cho Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng, dân tộc Việt Nam anh hùng.
Hôm nay, khi đất nước ta đã hoà bình, độc lập, nhân dân Việt nam luôn ghi nhớ, biết ơn công lao to lớn của thế hệ cha anh, những chiến sĩ đã anh dũng hi sinh.
Hướng tới kỉ niệm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4, mỗi người chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hãy ra sức phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý.
Nhật kí "
Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là một cuốn sách thật ý nghĩa, một tư liệu quý giá mà thư viện lớp 5A1 muốn gửi đến độc giả luôn sẵn sàng phục vụ ban đọc!
Xin chân thành cảm ơn!