Chủ điểm: Ngày tết quê em
Giới thiệu cuốn sách: Kể chuyện phong tục Việt Nam
Tác giả: Vũ Ngọc Khánh
Như chúng ta đã biết sách là kho tàng tri thức của nhân loại, sách là nguồn tri thức khổng lồ mà ta sẽ khó có thể khai thác hết. Vậy nên việc đọc sách là vô cùng quan trọng. Trong thực tế, không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu và nâng cao kiến thức, đọc sách còn bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm tốt đẹp giúp chúng ta hoàn thiện về mọi mặt. Sách còn giúp chúng ta rèn luyện khả năng tưởng tượng, liên tưởng và sáng tạo. Với chủ điểm “Ngày tết quê em” trong buổi giới thiệu sách tháng này lớp 5A5 xin gửi đến thầy cô và các bạn học sinh cuốn sách “ Kể chuyện Phong tục Việt Nam” do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2007 của tác giả Vũ Ngọc Khánh. Cuốn sách có khổ 14,3 x 20,3cm được in trên bìa cứng dày, với những hình ảnh, màu sắc bắt mắt sẽ thu hút các bạn đến với nội dung của cuốn sách.
Đến với cuốn sách bạn đọc sẽ biết vì sao có bánh chưng xanh? Vì sao bánh chưng lại được đặt trân trọng trên bàn thờ trong ngày tết như vậy? phong tục ngày Tết có những gì, xông nhà trong ngày Tết có ý nghĩa gì?Tại sao phải kiêng quét rác trong những ngày Tết? hay mừng tuổi có ý nghĩa gì? Cần chú ý ứng xử và lễ nghi gì trong ngày Tết.
Bạn đọc thân mến, cuốn sách còn giải thích cho chúng ta câu hỏi: “Tại sao gọi là Tết Nguyên Đán?”. Tết Nguyên Đán là những ngày lễ mừng năm mới theo Âm lịch của người dân ở tất cả các vùng miền trên đất nước Việt Nam. Tết Nguyên Đán còn được gọi bằng nhiều tên khác như Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ Truyền hay đơn giản là Tết. Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước Đông Á, do tập quán canh tác bắt đầu vào mùa vào những ngày đầu năm, tức là tiết đầu tiên trong 24 tiết khí trong năm thường gọi là tiết Nguyên Đán, sau này gọi là Tết Nguyên Đán. Chính vì để cầu chúc cho mùa màng gieo cấy được thuận lợi, người dân thường chọn tiết khởi đầu trong năm này để cúng lễ, ăn mừng, vui chơi nhằm gây dựng không khí vui tươi, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu. Sau lâu dần, Tết Nguyên Đán đã trở thành một dịp lễ tết đặc biệt không thể thiếu của người dân Việt, nó không chỉ đơn thuần là việc cầu chúc cho mùa màng nữa, mà đã trở thành một dịp nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm lao động vất vả, là dịp để sum họp gia đình sau một năm dài phân cách, đồng thời cũng là một hoạt động quan trọng để gìn giữ bản sắc dân tộc Việt.
Đến với cuốn sách bạn đọc sẽ biết thêm về ngày 23 tháng chạp là ngày gì? Tại sao vào ngày này mọi người đều dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm cúng ông Công ông Táo để tiễn về chầu trời; Tục lệ thăm viếng và quét dọn mồ mả tổ tiên vào cuối năm. Đây là một phong tục phổ biến của tất cả người Việt, thể hiện lòng hiếu đạo, sự thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất, cũng chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo lý của dân tộc Việt Nam. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách này.