Trong kho tàng sách vô giá của nước ta trước đây, có một bộ Bách khoa toàn thư bằng tranh do người Việt Nam vẽ và người nước ngoài xuất bản ngay tại Hà Nội. Tranh được khắc gỗ, in trên giấy điệp vùng Kẻ Bưởi, sau đó là đình Hàng Gai rồi chùa Vũ Thạch (Hà Nội) những năm 1908 – 1909 và xuất bản năm 1910. Đây là bộ sách đã tập hợp được nhiều bức vẽ chất phác trong lịch sử mĩ thuật nước ta. Nhiều hoạt động trong ấy không còn nữa, phần đông trong thế hệ chúng con không còn biết nữa, đã hiện ra ngay trước mắt, chân chất và gần gũi tới lạ kì.
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.”
Chỉ mới nghe hai câu ca dao ấy, chúng con đã nôn nao cái cảm giác chờ khoảnh khắc giao thừa. Và cuốn sách “Tết Việt Nam qua tranh dân gian” của Nhà xuất bản Hồng Đức đã đưa chúng con về gần hơn với Tết xưa, với những ngày Tết truyền thống của ông cha, qua những bức tranh dân gian trong bộ Bách khoa toàn thư kể trên. Trong không khí người người nhà nhà tấp nập chuẩn bị đón một cái Tết sum vầy, con xin mời các thầy cô và các bạn cùng đón đọc cuốn sách “Tết Việt Nam qua tranh dân gian.”
Cuốn sách nhỏ nhắn, nằm gọn trong lòng bàn tay, nhưng cũng đã gói gần như trọn vẹn một cái Tết truyền thống của người Việt. Sách được chia làm 13 chương, đều được trình bày khoa học, trước tiên là lời giới thiệu bằng tiếng Việt, sau ấy là lời giới thiệu được dịch sang tiếng Anh, và cuối cùng là những bức tranh minh hoạ cho nội dung chương.
Trang sách đầu tiên mở ra, chúng con thấy cả một phiên chợ Tết hiện ra trước mắt:
“Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.”
Chỉ với vài nét vẽ đơn sơ, hình ảnh ông đồ già viết câu đối, hay những người thợ đang cặm cụi từng nét mực cho bức tranh Tết đã gọi cái Tết như gần kề. Vài cân gạo nếp, vài tập lá dong, vài cuộn lạt giang, đôi con gà trống, tay cầm cành đào,… là hình ảnh tiêu biểu của một phiên chợ Tết xưa.
Cuốn sách cũng khiến chúng con chẳng thể kìm lòng khi giới thiệu về những món ngon ngày Tết. Thì ra thời nào cũng vậy, cho tới ngày hôm nay, bà chúng con, mẹ chúng con vẫn chuẩn bị đủ chừng ấy món ngon như cuốn sách giới thiệu thì mới là Tết: nào là cái bánh chưng, nào là khoanh giò gói, nào là vại dưa hành.
Con vẫn nghe người lớn nói rằng, ngày tiễn ông Công – ông Táo về trời ấy mới chính là ngày bắt đầu Tết. Và trong cuốn sách, chúng con hiểu thêm về tục thờ ông Công – ông Táo, về ý nghĩa của việc háo hức cùng bố mẹ đi phóng sinh cá vàng trưa ngày 23.
Thú vị nhất hẳn là những chú bé “Súc sắc súc sẻ”. Giữa guồng quay của cuộc sống hiện đại, đã từ rất rất lâu rồi không ai còn nghe tới những chú bé ấy nữa. Nhưng qua cuốn sách, chúng con
được biết đó là những chú bé con nhà nghèo, đợi khoảnh khắc giao thừa chuẩn bị tới, tìm đến từng nhà, nhất là ở Hà Nội xưa, ca lên bài đồng dao chúc Tết (Các bạn khác sẽ đọc bài đồng dao)
“Mồng Một tết Cha, mồng Hai tết Mẹ, mồng Ba tết Thầy.”
Ba ngày Tết chính là thời điểm để mọi người vui chơi. Tết càng không thể thiếu những trò chơi ở ngay trong gia đình. Phổ biến nhất là chơi tam cúc, chơi ô ăn quan, chơi tổ tôm,…
Dư âm của Tết Nguyên đán chưa chấm dứt. Cuốn sách sẽ lại đưa người đọc tới với một loạt các lễ hội xuân, nơi tổ chức các trò chơi cộng đồng. Ở chương này, mỗi lần lật giở những trang sách là một lần người đọc lại được biết về một trò chơi Tết dân gian khác nhau bằng tranh: từ đốt ống lệnh, tới đánh vật, rước ông Đùng – bà Đà hay thổi cơm thi,… cùng nhiều trò chơi khác nữa.
Mỗi trang sách của “Tết Việt Nam qua tranh dân gian” là hàng loạt các thông tin bổ ích, lí thú nhưng không kém phần gần gũi, đưa chúng con về gần hơn với Tết xưa, để hiểu thêm về tục lệ truyền thống
của ông cha. Và càng bổ ích hơn khi chỉ với cuốn sách dày chưa tới 100 trang, chúng con hiểu hơn về Tết của dân tộc nhờ “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, lại sẵn sàng giới thiệu với bạn bè năm châu
về tục lệ quê hương bằng những dòng chú thích tiếng Anh, lại còn được ngắm nhìn kĩ hơn những tục lệ ấy qua những nét vẽ mộc mạc của cha ông.
Con xin kính mời các thầy cô, các bạn học sinh yêu mến Trường Tiểu học Ái Mộ B đến với thư viện góc lớp nhỏ xinh của 4A1, để tìm đọc cuốn sách “Tết Việt Nam qua tranh dân gian”, để thêm hiểu và thêm yêu về truyền thống dân tộc.