Có ai đó đã từng nói: “Vĩ đại nhất là trái tim của người mẹ”.
Vâng! Trái tim người phụ nữ, tâm hồn của người phụ nữ vốn dĩ được xem là những kỳ quan giá trị trong kho tàng văn hóa nhân loại. Nhà văn Victo Huygo từng nhận xét: “ Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ ”.
Quả thực, người ta yêu quý người phụ nữ như yêu quý điều gì đó rấ thiêng liêng, cao đẹp, Và đặc biệt hơn nữa trong những ngày kỷ niệm dành riêng cho họ thì hình ảnh người phụ nữa càng được mọi người trân trọng, tôn vinh.
Hướng tới chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Thư viện trường Tiểu học Ái Mộ B trân trọng gửi tới quý thầy cô giáo và các em học sinh một cuốn sách hay viết về một người phụ nữ mộc mạc, bình dị nhưng đầy trí tuệ và tài năng, người phụ nữ giàu tình thương yêu và sự hy sinh nhưng cũng thật kiên cương … Đó chính là cuốn sách
“Người mẹ của một thiên tài ” của tác giả Chu Trọng Huyến.
Trang bìa cuốn sách được trình bày đơn giản nhưng thật ý nghĩa với hình ảnh một bà mẹ đang tần tảo làm việc nhưng đôi mắt hiền từ vẫn luôn dõi theo chăm sóc cho đứa con nhỏ đang nằm trên chiếc võng. Đó là một hình ảnh đẹp và gần gũi tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, cũng thể hiện được tấm lòng yêu thương dành cho con của tất những người mẹ trên thế giới.
Bên dưới hình ảnh ý nghĩa trên, nổi bật trên nền sách màu vàng là nhan đề của cuốn sách: “Người mẹ của một thiên tài”. Không ít người khi cầm cuốn sách trên tay sẽ không khỏi thắc mắc muốn biết
“Người mẹ” và “Thiên tài” mà cuốn sách kể đến là ai vậy? Vâng! Thiên tài được nói đến ở đây chính là Bác Hồ kính yêu của chúng ta – người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một vĩ nhân của thế giới. Và cuốn sách mà tôi muốn giới thiệu kể về “Người mẹ” – người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng con người thiên tài trên. Đó chính là Bà Hoàng Thị Loan.
Bà Hoàng Thị Loan sinh ra ở làng Hoàng Trù, xa Kim Liên, huyện Nam Đàn, tình Nghệ An. Ngay từ khi còn nhỏ bà đã sớm bộc lộ là một cô bé thông minh, ham học hỏi. Cô nghe mẹ kể nhiều truyện cổ tích và thích đưa ra những câu hỏi rất thú vị, hóm hỉnh. Ở thời ấy con gái thường không được đi học nhưng sự thông minh và ham học của Loan đã thuyết phục được cha mình là ông Đường bấy giờ cũng đang là thầy giáo. Ông quyết tâm dạy chữ cho Loan bất chấp sự gièm pha của người đời.
Khi đọc truyện chúng ta sẽ thấy cô bé Loan học rất nhanh:
“Chẳng tỏ ra ngập ngừng, lạ lẫm, Loan học ít hiểu nhiều. Bàn tay cô đưa các nét chữ trông mêm như kết những cành hoa. Ông Đường chưa thấy một học trò nào sáng dạ và dẻo tay như con gái mình”. “Ông Đường ngày một ngạc nhiên trước trí nhớ của con gái”. Không chỉ học giỏi, Loan còn rất chăm chỉ “sớm chiều đồng áng”, “về nhà thì bếp núc, lợn gà”.
Cuộc đời cô bé Loan bước sang một trang mới khi gia đình nhận nuôi cậu bé Nguyễn Sinh Sắc, sau đó trở thành chồng của Loan. Để nên nghĩa vợ chồng với Sắc, Loan đã phải trải qua rất nhiều khó khăn: sự ngăn cấm của mẹ, sự o ép của tên Cai Thiết muốn lấy Loan về cho con trai hắn, rồi sự dè bỉu của dư luận xã hội,…Nhưng Loan là một cô gái khéo léo và có cá tính mạnh mẽ, cô đã vượt qua tất cả để kết duyên với Nguyễn Sinh Sắc. Đó là điều mà không phải cô gái nào trong hoàn cảnh ấy cũng có thể làm được.
Trong suốt những năm gắn bó thiết tha với chồng, với con, với gia tộc và làng nước, bà Hoàng Thị Loan đã thể hiện đầy đủ các đức tính đáng quý cuat người phụ nữ Việt Nam. Với tấm lòng cao đẹp của bà mẹ không cam chịu để con mình phải thiếu thốn, với quyết tâm của một người vợ không muốn chồng phải ngừng học tập vì thiếu cơm ăn mà bà đã làm tất cả những gì có thể của một người mẹ, người vợ: cần cù chịu đựng, âm thầm gánh lấy những trĩu nặng của hoàn cảnh, hi sinh cho chồng, cho con với một niềm tin trong sáng như đóa hoa Đại Huệ lặng lễ tỏa hương thầm trong đêm.
Vào một ngày ảm đạm cuối năm Canh Tý, ngày hai mươi tháng Chạp, tức mồng mười tháng Hai năm 1901, sau mười mấy năm chung sống với chồng, người đà bà bình dị mà phi thường mới ba mươi ba tuổi ấy đã nhẹ nhàng ra đi, để lại cho ông một tài sản vô giá là bốn người con.
Để rồi bà đi vào một giấc mơ mới. Trong đó, bà nhận ra mình là một người mẹ vinh hạnh nhất trần gian vì vợ chồng bà đã sản sinh ra một thiên tài Hồ Chí Minh – Người anh hùng dân tộc vĩ đại, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.
Cuốn sách “Người mẹ của một thiên tài” của tác giả Chu Trọng Huyến dày 155 trang, được in trong tủ sách Bác Hồ của thư viện nhà trường. Hy vọng quý thầy cô và các am học sinh hãy cùng tìm đọc để thêm hiểu, thêm yêu và quý trọng “Người mẹ của một thiên tài”.