Cuốn sách của tác giả Nguyễn Đình Thi,
do NXB Văn học ấn hành năm 2015. Mời các con cùng ngắm nhìn bìa sách. Nổi bật là
hình ảnh của một chú mèo con đáng yêu trong gian bếp với những vật dụng quen
thuộc như chổi, chạn bát, chum nước…
hình ảnh thân thuộc của quê hương vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bìa sách cũng
gợi cho người đọc sự tò mò muốn trải nghiệm cuốn sách.
Đây là một truyện ngắn liên quan đến
một con vật nhỏ bé, hay được nuôi trong nhà, có đôi mắt tròn như hòn bi ve,
càng nhìn trong tối mắt nó càng tinh, con vật đó không phải là để trang trí mà
nó rất có ích. Các con có đoán được đó là con vật gì không? Để tìm hiểu chúng
mình cùng tìm hiểu cuốn sách này nhé.
Câu chuyện khá giản dị, gần gũi với
đời sống hàng ngày của mỗi người. Bà đi chợ mua một chú miu con về canh bếp cho
lũ chuột đỡ lục phá vì sắp đến Tết. Thông thường, bao giờ chuột chẳng sợ mèo
nhưng đây lại là một tình huống khác: chú miu con còn quá non nớt nên thấy
chuột chú chẳng dám ho he gì. Đêm khuya, lão chuột Cống to lớn dữ tợn kéo theo
bầy chuột nhắt xông vào bếp lục lọi cái ăn. Miu ta dựng lông run rẩy kêu
“nghoeo nghoeo” mà lũ chuột cũng chẳng thèm để mắt đến, vẫn ngang nhiên leo lên
chạn lục cơm nguội, moi cá kho ra ăn. Đánh chén xong chúng còn đua nhau nhảy
múa trêu ngươi mèo con! Những ngày nắng ráo mèo con chạy ra sân, rửa tay rửa
mặt, nằm lim dim sưởi ấm rồi tung tăng nhảy nhót, đùa với bướm, trèo cây cau,
mài vuốt sắc, cuộn tròn người lăn lông lốc…, nghịch ngợm như một đứa trẻ. Gặp
Gián đất hôi xì lấm lét, rồi gặp Cóc tía ung dung đĩnh đạc nói chuyện, mèo con
mới hiểu ra rằng, chẳng có gì đáng sợ, nhất là những kẻ xấu - chính nó mới phải
sợ người ngay thẳng. Hiểu ra lẽ phải ấy, mèo ta đã dám nhảy lên ôm cổ kéo giật
tên rắn Hổ mang xuống đất khi nó định ăn cắp trứng gà…Và rồi, cũng nhờ sự hiểu
đó mà trong trận chiến căng thẳng đêm giáp Tết, mèo con đã dũng cảm đương đầu
với lũ chuột, lại được chị Chổi rơm và bác Nồi đồng giúp sức nên mèo ta đã đánh
gục tên chuột Cống hung dữ, làm cho lũ chuột nhắt chạy tan tác! Xong việc, chú
mèo con lại thanh thản ngồi vuốt râu, giữ bếp sạch sẽ, như chưa từng có việc gì
xẩy ra…
Toàn bộ câu chuyện là sự trưởng thành
và dũng cảm của chú mèo. Với lối viết giản dị trong sáng và giàu cảm xúc cuốn
sách đã chiếm trọn tình cảm của nhiều bạn nhỏ như chúng mình trong hơn 50 năm
qua đấy các bạn ạ. Lật giở từng trang sách ta thấy sau mỗi đoạn đều họa sĩ Ngô
Mạnh Lân vẽ thêm những bức tranh để minh họa cho những hoạt động của mèo con
giúp cuốn sách càng cuốn hút hơn. Cuốn sách đã được chuyển thể thành phim hoạt
hình có tên là “mèo con”.
Cái Tết của mèo con là tác phẩm duy
nhất mà cố nhà văn Nguyễn Đình Thi viết tặng thiếu nhi trong suốt cuộc đời cầm
bút của mình. Ít ai biết, câu chuyện được đưa vào sách giáo khoa này đã lấy
“nguyên mẫu” từ một chú mèo thật, với những con người thật. Ông viết cuốn
truyện đồng thoại này khi về ăn Tết tại Hải Phòng năm 1961. Khi đó, ông sống
tại Hà Nội với dì ruột, còn các con ông được bà nội nuôi tại Hải Phòng. Nhà rất
rộng, đủ cả sân vườn, ao cá, lại có một gian bếp lớn với chạn bát, chổi bếp,
nồi đồng và là nơi tung hoành của một đàn chuột khổng lồ - hệt như những gì
được nhắc tới trong “Cái Tết của mèo con”.Cuốn sách cũng là bài học về cái
thiện chiến thắng cái ác. Và qua cuốn sách những hình ảnh tươi mới về cuộc sống
ở vùng “nông thôn mới” hiện ra rõ nét, giúp các con hiểu thêm về lịch sử đất
nước.
Cuốn sách được sử dụng nhiều biện pháp
nghệ thuật giúp các em có thể vận dụng vào phân môn Luyện từ và câu như biện
pháp nhân hóa, trong câu chuyện nồi đồng được gọi là “bác nồi đồng”, “chị
chổi”…
Các bạn có thấy cuốn sách thú vị không
nào? Để tìm hiểu kĩ thêm về chú mèo dũng cảm này các bạn hãy tìm đọc cuốn sách
tại thư viện trường Tiểu học Ái Mộ B và tìm mua ở các hiệu sách trên toàn quốc
các bạn nhé!
Mong rằng với phần giới thiệu ngắn gọn
này sẽ giúp các bạn ghi thêm một tên sách thú vị vào sổ tay những cuốn sách hay
của mình và ring ngay một cuốn đặt trên giá sách của bạn nha!