Phương pháp “Bàn tay nặn bột” (BTNB) là một phương pháp dạy học tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy các kiến thức khoa học tự nhiên, đặc biệt là đối với bậc tiểu học, học sinh đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu mạnh mẽ các kiến thức khoa học, hình thành các khái niệm cơ bản về khoa học. Tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề.
Phương pháp “Bàn tay nặn bột” là sự quy trình hóa một cách logic phương pháp dạy học, dẫn dắt học sinh đi từ chưa biết đến biết theo một phương pháp mới mẻ là để học sinh tiếp xúc với hiện tượng, sau đó giúp các em giải thích bằng cách tự mình tiến hành quan sát qua thực nghiệm. Phương pháp này giúp các em không chỉ nhớ lâu, mà còn hiểu rõ câu trả lời mình tìm được. Qua đó, học sinh sẽ hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ và hình thành tác phong, phương pháp làm việc khi trưởng thành.
Phương pháp này được các thầy cô giáo dạy khối 4 tích cực áp dụng. Qua các tiết dạy chuyên đề môn Khoa học dành cho học sinh lớp 4, phải kể đến tiết dạy của cô giáo Trần Thị Kim Tuyến – giáo viên chủ nhiệm lớp 4A2 với bài 31: Không khí có những tính chất gì? Sau tiết học, cả người dạy và người dự giờ đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận đều cho rằng các em học tập rất sôi nổi; được thoải mái bộc lộ quan điểm, hiểu biết của mình; các nhóm hoạt động tích cực, thực hành thí nghiệm để tìm ra kiến thức; HS được phát huy tối đa sự hiểu biết, năng lực của bản thân. Các em có kĩ năng thực hành khá tốt, mạnh dạn trình bày, phát biểu và tham gia nhận xét, đánh giá; tạo được không khí lớp học thoải mái, vui vẻ. HS được khắc sâu kiến thức vì tự bản thân cảm nhận về biểu tượng ban đầu để tìm ra kiến thức đúng; hình thành tác phong và thói quen làm việc khoa học, thói quen độc lập suy nghĩ, sáng tạo. Chất lượng học tập của học sinh được nâng cao, dần hình thành quan điểm khoa học trong cách sống và học tập của từng em. Thao tác trên những dụng cụ thí nghiệm cũng hết sức đơn giản và không cần có hiểu biết kĩ thuật gì đặc biệt. Các em có thể sử dụng các giác quan hoặc phân tích kết quả thực nghiệm từ đó có thể có những kết luận khác nhau.
Qua việc tìm hiểu và vận dụng phương pháp BTNB trong dạy học Khoa học, các thầy cô giáo trong tổ 4 đều nhận thấy đây là phương pháp có thể phát huy tối đa khả năng tự học và sáng tạo của học sinh, giúp các em tự phát hiện và giải quyết vấn đề thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra. Nhờ đó học sinh hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ, góp phần hình thành tác phong và phương pháp làm việc của một nhà khoa học khi các em trưởng thành.
Tác giả: Hoàng Thái Hậu
Một số hình ảnh tiết dạy