Thực hiện kế hoạch chuyên môn năm học 2020-2021, từ đầu tháng 3 năm 2021, giáo viên Tổ 3 trường Tiểu học Ái Mộ B đã tổ chức một số chuyên đề vận dụng “Phương pháp bàn tay nặn bột” trong dạy học môn Tự nhiên xã hội, Tuần 24, bài Quả. Chuyên đề do cô giáo Nguyễn Thị Thúy Điệp – Tổ trưởng chuyên môn Tổ 3 thực hiện với sự tham dự của các giáo viên trong khối.
Phương pháp “Bàn tay nặn bột” được biết đến như một phương pháp dạy học tích cực được áp dụng với các môn khoa học tự nhiên. Khác với phương pháp dạy học thông thường, phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã phát huy được tối đa tinh thần làm việc theo nhóm của học sinh. Phương pháp này chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm, các trò chơi, các nghiên cứu tìm hiểu do chính bản thân học sinh thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên để tự mình tìm ra câu trả lời, tự “bàn tay” của các em “nhào nặn” nên kết quả. Phương pháp bàn tay nặn bột góp phần không nhỏ tạo ra tính tò mò, ham muốn khám phá, say mê khoa học của học sinh. Ngoài việc tìm hiểu kiến thức, học sinh còn được rèn luyện kỹ năng diễn đạt, phát triển kỹ năng nói và viết, giúp các em tự tin hơn. Không chỉ vậy, phương pháp này còn góp phần giúp học sinh phát triển năng lực quan sát, thực hành, sức sáng tạo và độc lập trong suy nghĩ.
Qua tiết học chuyên đề, các em học sinh đã có những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn. Bạn nào cũng sôi nổi, tự tin trao đổi, thảo luận, thực hành. Rất nhiều học sinh của lớp đã thể hiện được khả năng dẫn dắt, thuyết trình. Đặc biệt, các em có ý thức đoàn kết, phối hợp và hoạt động nhóm rất tốt. Có thể nói, cô và trò của lớp 3A1 đã có một giờ học rất thành công.
Sau giờ học, các thành viên trong tổ trao đổi, thảo luận sôi nổi về tiết Chuyên đề như: Sự chuẩn bị chu đáo về đồ dùng trực quan, bài giảng điện tử, tác phong nhanh nhẹn, lưu loát trong từng lời giảng, tổ chức và hướng dẫn học sinh nêu tình huống có vấn đề, thực hành, giải quyết vấn đề tìm ra kiến thức mới,… một cách tự nhiên, học sinh có sự liên hệ với thực tiễn cuộc sống hàng ngày phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại cần khắc phục: Một số học sinh chưa mạnh dạn đề xuất câu hỏi để trao đổi, thảo luận, khi thực hành còn hơi lúng túng. Các thành viên trong tổ đã thống nhất đưa ra biện pháp khắc phục: Tăng cường tổ chức hoạt động nhóm, động viên, khích lệ để các em tự tin hơn.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Huyền
Một số hình ảnh tại buổi chuyên đề: