Tổ, nhóm chuyên môn là đơn vị cơ sở trong nhà trường, trực tiếp triển khai các hoạt động chuyên môn. Hoạt động tổ, nhóm chuyên môn luôn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng dạy, học trong các nhà trường. Tổ chuyên môn còn là cầu nối giữa Ban giám hiệu nhà trường với giáo viên và học sinh. Vì vậy trường Tiểu học Ái Mộ B rất chú trọng tới việc phát huy hiệu quả của hoạt động sinh hoạt Tổ chuyên môn.
Ngay từ đầu năm học, các tổ trưởng chuyên môn đã bám sát kế hoạch chung của nhà trường, kế hoạch về chuyên môn để xây dựng kế hoạch chuyên môn của tổ, lấy ý kiến của các tổ viên, xây dựng dự thảo, họp tổ chuyên môn để các thành viên trong tổ trao đổi, bàn bạc rồi đi đến thống nhất kế hoạch hoạt động của tổ trong năm học. Kế hoạch của các tổ đưa ra đều cụ thể, chi tiết, rõ ràng: Từ việc nêu phương hướng nhiệm vụ, chỉ tiêu phấn đấu, các biện pháp thực hiện,… đến việc phân công người thực hiện, thời gian hoàn thành,… cho từng công việc trong từng tuần, từng tháng.
Các tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo định kỳ 2 lần/1 tháng. Nội dung sinh hoạt chuyên môn luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng để thông báo trong cuộc họp theo qui trình sau:
Thứ nhất: Đánh giá các hoạt động trọng tâm trong tuần. Tổ nhận xét, đánh giá tình hình thực hiện của nhóm chuyên môn trong hai tuần trước, phát hiện những vấn đề nảy sinh cùng trao đổi thảo luận đi đến thống nhất ở tất cả các mặt.
Thứ hai: Thống nhất nội dung các bài dạy trong hai tuần tiếp theo. Xác định rõ mục tiêu cần đạt được, phương tiện, thiết bị dạy học cần sử dụng và nội dung tích hợp những gì trong từng tiết học,…
Thứ ba: Trao đổi thống nhất nội dung bài khó. Các thành viên trong tổ thảo luận xác định mảng kiến thức mới và khó để đưa ra phương pháp giải quyết tối ưu nhất.
Thứ tư: Nội dung các bài kiểm tra (nếu có) tổ thảo luận thống nhất để nội dung bài kiểm tra phải bám sát chương trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng, thống nhất hình thức ra đề phù hợp với đối tượng học sinh. Đề kiểm tra cần đảm bảo tính chính xác, khoa học, nội dung và tính vừa sức của học sinh.
Thứ năm: Chuyên đề, học tập bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Phân công người thực hiện và thời gian thực hiện. Cùng nhau xây dựng kế hoạch chung cho tiết chuyên đề. Khi rút kinh nghiệm các tiết chuyên đề. Đã đạt được những ưu điểm gì? Có gì còn vướng mắc cần khắc phục. Các thành viên trong tổ nên phản hồi tích cực, nắm bắt học hỏi những giải pháp hay, chỉ rõ những hạn chế mà giáo viên mắc phải để người được góp ý thấy được ưu điểm và hạn chế. Từ đó, cùng nhau học tập cái hay, sự sáng tạo để trau dồi chuyên môn nghiệp vụ.
Trong quá trình sinh hoạt chuyên môn, các thành viên trong tổ luôn nêu cao tinh thần tự giác và trách nhiệm với công việc của tổ, nhóm. Tất cả đều coi sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn là hoạt động thường xuyên để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Ban giám hiệu và toàn thể giáo viên trong nhà trường đều coi hoạt động sinh hoạt chuyên môn là hoạt động quan trọng trong nhà trường; vì vậy các tổ, nhóm chuyên môn cần phải thường xuyên làm việc một cách khoa học, có sự đoàn kết thống nhất cao, các thành viên có tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.