TUYÊN TRUYỀN 15 NĂM THÀNH LẬP QUẬN LONG BIÊN
1/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP về việc địa giới hành chính để thành lập Quận Long Biên thuộc Thành phố Hà Nội. Long Biên có diện tích 6.038,24ha, với 170.706 nhân khẩu; 14 đơn vị hành chÍnh trực thuộc là các phường: Cự Khối, Thạch Bàn, Long Biên, Bồ Đề, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Gia Thụy, Thượng Thanh, Việt Hưng, Phúc Đồng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Giang Biên, Đức Giang. Đến tháng 9/2018, toàn quận có 294 tổ dân phố, dân số trên 29 vạn nhân khẩu; 43 tổ chức cơ sở đảng trên 1,4 vạn đảng viên.
Long Biên có các tuyến đường giao thông quan trọng. Đặc biệt với lợi thế vị trí cửa ngõ của Hà Nội, nối liền với trục tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng – Quảng Ninh, đồng thời cũng là trục kinh tế sôi động là những yếu tố cơ bản thuận lợi để quận Long Biên phát triển nhanh và bền vững.
Sau 15 năm thành lập và đi vào hoạt động, Long Biên đã có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.
1. Về phát triển kinh tế
Khi mới thành lập, cơ cấu kinh tế của quận là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Năm 2005, công nghiệp chiếm tỷ trọng 67%, dịch vụ 29,8%, nông nghiệp 3,2%. Nhiệm kỳ lần thứ nhất 2005-2010, Quận ủy đã xây dựng chương trình số 06- CTr/QƯ về “Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn quận giai đoạn 2006-2010”. Xác định mục tiêu phấn đấu đến 2010, công nghiệp giảm xuống còn 60,3%, dịch vụ tăng lên 37,6% và nông nghiệp giảm còn 2,1%. Sau 5 năm triển khai nghị quyết và Chương trình số 06-CTr/QU, cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển mạnh sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Dịch vụ chiếm ưu thế với 55,6%, công nghiệp giảm còn 42,5% và nông nghiệp giảm còn 1,9%. Thu ngân sách tăng trung bình hàng năm 21%. Đến 2009 thu ngân sách tăng gấp 2,1 lần so với năm 2006.
* Giai đoạn 2010-2015, các trung tâm thương mại lớn đi vào hoạt động như BigC, Savico, Vincom... thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, chất lượng ngày càng được nâng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,8%; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 137%. Sản xuất công nghiệp - xây dựng giữ được mức tăng trưởng, đạt 17%. Nông nghiệp tuy diện tích không còn nhiều nhưng quận chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tại các phường Cự Khối, Phúc Lợi... 23ha sản xuất rau an toàn và trên 100 ha cây ăn quả đã được chuyển đổi, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 400 đến 450 triệu/ha tăng bình quân hàng năm 5,5%.
Số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ tăng nhanh lên tới trên 2000 doanh nghiệp và 11.000 hộ kinh doanh cá thể. Thu ngân sách trung bình đạt 3.833 tỷ đồng/năm; tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt 25,9%.
*Giai đoạn 2015-2020, bên cạnh việc phát triển hệ thống chợ dân sinh theo quy hoạch (năm 2018 có 31 chợ) quận tiếp tục chủ trương đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đề xuất thành phổ tiếp tục di chuyển các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi địa bàn. Đối với lĩnh vực nông nghiệp tập trung dồn điền đổi thửa, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, duy trì sản xuất, tăng cường quản lý các phương án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, không để xảy ra sai phạm. Thực hiện chủ trương chung của thành phố, năm 2017 quận thực hiện chấm dứt hoạt động của hội nông dân từ quận tới cơ sở.
Năm 2016 thu ngân sách đạt 4.269 tỷ -130% kế hoạch. Năm 2017, thu ngân sách đạt 6.673 tỷ đồng, gấp 28 lần so với năm 2004 (237 tỷ). 9 tháng đầu năm 2018, thu ngân sách đạt 4.766/6.535 tỷ đồng = 73% kế hoạch năm. Các thành phần kinh tế phát triển mạnh, số doanh nghiệp trên địa bàn tăng lên nhanh chóng với 7600 doanh nghiệp so với 647 doanh nghiệp năm 2004, tăng gấp 11,7 lần.
2. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, đô thị
Quận luôn chủ động trong công tác quy hoạch và sớm có các quy hoạch 1/2000, trên cơ sở đó lập các quy hoạch chi tiết 1/500 để tổ chức thực hiện. Quận Long Biên là đơn vị đầu tiên của Thành phố được phân cấp quy hoạch, có quy hoạch đồng bộ tỷ lệ 1/2000 về sử dụng đất và giao thông, quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật. Chủ động xây dựng các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu đô thị và ô chức năng. Đến năm 2010 đã lập và thẩm định 108 đồ án quy hoạch chi tiết và tổng mặt bằng góp phần đưa diện tích đất được quy hoạch 1/500 trên địa bàn Quận lên 680 ha. Xác định chỉ giới và cắm mốc 55km đường theo quy hoạch phục vụ công tác đầu tư và quản lý đô thị.
Giai đoạn 2010 - 2015 tiếp tục rà soát những bất cập trong quy hoạch, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung vào đồ án quy hoạch phân khu đô thị N10. Đến nay đã hoàn thành và công bố 12 đồ án quy hoạch chi tiết, đưa diện tích đất đã được lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 lên 1.446ha/2.590ha, đạt tỷ lệ 55,8%. Diện tích đất đã được quy hoạch tỷ lệ 1/2000 là 4037.5ha/4846.7ha, đạt 83,3%. Cập nhật các quy hoạch 1/500, xác định chỉ giới đường đỏ 54 tuyến đường với 84,4km tạo thuận lợi cho công tác quản lý và đầu tư. Hoàn thành phê duyệt 98 hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc; 186 hồ sơ chỉ giới đường đỏ, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư hạ tầng đô thị theo quy hoạch. Thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư các dự án, các khu đô thị hiện đại trên địa bàn như: khu đô thị Vincom, khu nhà ở tại phường Thạch Bàn, khu tái định cư Him Lam, công viên công nghệ phần mềm; sân golf Long Biên với tổng mức đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng, góp phần tăng diện tích đất phát triển đô thị theo quy hoạch lên 377,09 ha, diện tích đường giao thông đầu tư mới 62,1 ha.
Từ đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2010-2015, đặc biệt Đại hội III, nhiệm kỳ 2015-2020, quận tập trung đột phá về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp và xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong các tầng lớp nhân dân. Đến năm 2017 có 817 dự án theo phân cấp được triển khai với tổng số vốn lên tới 6300 tỷ; đề xuất và triển khai 25 dự án thuộc nhiệm vụ chi của Thành phố. Tập trung đâu tư mới và nâng cấp, cải tạo nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Cải tạo, chỉnh trang, duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đẩy nhanh việc khớp nổi hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành 75,4 km chiều dài các tuyến đường giao thông theo quy hoạch, cải tạo nâng cấp 928 tuyến ngõ ngách, đường đất theo hiện trạng; cải tạo, xây mới 183 nhà văn hoá tổ dân phố, đưa tổng số toàn quận có 213 nhà văn hoá tổ dân phố; 13 trung tâm văn hóa phường; xây mới, cải tạo, mở rộng 28 trường học. Đầu tư, cải tạo vườn hoa cây xanh, hồ nước đạt tỷ lệ 10,08m2/người. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 99%.
Công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị được tập trung chỉ đạo quyết liệt và ngày càng đi vào nền nếp. Tỷ lệ các công trình được cấp phép xây dựng tăng cao Năm 2004 mới có 15% công trình xây dựng có phép, nhưng đến nay Long Biên trở thành quận có tỷ lệ cấp phép xây dựng cao đạt trên 99%. Nhiều đề án được triển khai, đến nay có 18 mô hình tình nguyện được thành lập với trên 3000 hội viên tham gia. Ý thức đô thị của Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, huy động được đông đảo nhân dân tham gia quản lý, giữ gìn trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, cắt tỉa cây, trồng hoa làm đẹp cảnh quan môi trường. Tạo diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Quản lý đất đai được tập trung rà soát, phân loại và quản lý, chống lấn chiếm; khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai; chú trọng tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cho nhân dân. Giai đoạn 2010-2015 đã cấp được 14.858 giấy chứng nhận cho các trường hợp đủ điều kiện. Năm 2016 cấp được 1.096 giấy chứng nhận = 107,24% kế hoạch; năm 2017 cấp được 980 giấy chứng nhận = 135,2 % kế hoạch; 9 tháng đầu năm 2018 đạt 94,57% kế hoạch.
3. Lĩnh vực cải cách hành chính, giải quyết đơn thư
Quận luôn được xác định là một trong những khâu đột phá (từ nhiệm kỳ đại hội lần thứ hai 2010-2015 đến nay), ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở trong giải quyết công việc, nhất là các thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân. Xây dựng đề án vị trí việc làm, quy trình nội bộ, triển khai bộ chỉ số cải cách hành chính trong toàn hệ thống, Tập trung xây dựng mô hình bộ phận một cửa thân thiện, mô hình cơ quan điện tử cấp quận, cấp phường. Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 4. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính cấp quận và phường đạt gần 100%, trong đó số hồ sơ giải quyết trước hạn tăng cao, nhiều địa phương thực hiện trả kết quả tại nhà đối với một số thủ tục như: khai sinh, khai tử,.. và trả miễn phí đối với các gia đình chính sách.
Ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức có nhiều chuyển biến tích cực. Quận chú trọng nâng cao năng lực, kỹ năng công tác cho cán bộ, công chức theo từng nhóm đối tượng gắn với kiểm tra, sát hạch. Duy trì đánh giá cán bộ, công chức hàng tháng, có cơ chế khen thưởng thoả đáng, tạo động lực cho cản bộ, công chức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Công tác giải quyết đơn thư có nhiều nỗ lực, cố gắng bằng nhiều giải pháp tích cực. Chú trọng công tác hoà giải ở cơ sở, đến nay tỷ lệ hoà giải thành công ở cơ sở đạt 90,2%. Tập trung giải quyết các quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật; rà soát các vụ việc nổi cộm, bức xúc gắn với Nghị quyết số 15-NQ/TU của Thành uỷ Hà Nội. Xây dựng và triển khai mô hình nâng cao chất lượng công tác tiếp dân giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo với các tiêu chí chấm điểm cụ thể và triển khai đồng bộ, thống nhất từ quận tới cơ sở.
4. Lĩnh vực văn hoá xã hội:
Được triển khai đồng bộ hướng về cơ sở, lấy tổ dân phố là địa bàn hoạt động. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao trở thành phong trào rộng khắp gắn với mô hình các câu lạc bộ nhà văn hoá tổ dân phố tiếp tục phát triển mạnh, hướng vào việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Quận đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chú trọng nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, tổ dân phố văn hoá, cơ quan, đơn vị văn hoá đến nay tỷ lệ Tổ dân phố văn hóa đạt 79,2%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 91,38%. Các thiết chế văn hoá được đầu tư đồng bộ, công tác bảo tồn phát huy, các giá trị văn hóa được quan tâm. Nghi thức “kéo co ngồi” trong lễ hội đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn; lễ hội làng Lệ Mật, phường Việt Hưng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh với trên 400 các mô hình câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao tổ dân phố. Thành tích thể thao hàng năm đạt từ 130 đến 150 huy chương các loại cấp thành phố và quốc gia.
Giáo dục - đào tạo phát triển mạnh theo hướng chuẩn hoá, xã hội hóa, từng bước hiện đại: Quận chủ trương tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao, trường học điện tử với tổng kinh phí 677.1 tỷ đồng; 100% các trường được sửa chữa, xây mới, đầu tư thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại. Quy mô trường lớp tăng, hệ thống trường ngoài công lập (tư thục, dân lập và trường quốc tế) có bước phát triển. Toàn quận hiện có 03 trường chất lượng cao và một số trường chất lượng cao ngoài công lập như trường quốc tế Wellspring, BV1S, trường trung học Pháp Alexandre Yersin, trường Vinschool; tổng số trường đạt chuẩn toàn quận là 64 trường, đạt 91.4%, nhiều trường đạt chuẩn mức độ 2. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, ngành giáo dục luôn được xếp tốp đầu Thành phố.
Lĩnh vực y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm gắn với các đề án và cơ chế cụ thể, công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được chỉ đạo ngay từ cơ sở gắn với cơ chế kiểm soát ngày càng chặt chẽ. 100% các phường đều đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trên địa bàn quận hiện có 01 Trung tâm y tế cấp quận, 14 trạm y tế phường đạt chuẩn, 01 bệnh viện công; 04 bệnh viện tư nhân, 127 cơ sở y dược, khám - chữa bệnh tư nhân với tổng số trên 1.058 giường bệnh.
An sinh xã hội được bảo đảm: thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công; quan tâm chăm lo giải quyết việc làm, hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, các gia đình và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bệnh tật.
Hàng năm cấp gần 10.288 thẻ Bảo hiểm y tế cho đổi tượng chính sách, người nghèo. Huy động nhiều nguồn lực sửa chữa, xây dựng 196 nhà tình nghĩa cho gia đình người có công. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ từ năm 2006 đến 2008 là: 3,75%, 2,18%, 1,7% theo chuẩn mới trên địa bàn Quận năm 2009 giảm xuống còn 1,16%, đến nay xuống còn 0,41% năm.
5. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện diễn ra trên địa bàn quận; không để hình thành băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tụ điểm phức tạp, trọng án lớn xảy ra. Tỷ lệ phá án cao, triệt phá bóc gỡ một số đường dây ma tuý lớn, giữ gìn sự bình yên cuộc sống của nhân dân.
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được triển khai hiệu quả. Tổ chức tốt diễn tập phòng thủ khu vực; công tác huấn luyện dân quân tụ vệ được tổ chức thường xuyên ngày càng bài bản, chất lượng công tác tuyển quân hàng năm đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.
Lực lượng vũ trang quận đạt nhiều thành tích nổi bật. Công an quận 5 lần được tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng Nhất; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Hai và hạng Ba. Ban Chỉ huy Quân sự quận được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.
6. Hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới
Hoạt động của HĐND có nhiều đổi mới, đặc biệt từ nhiệm kỳ 2016-2021, xây dựng các quy trình nội bộ, nhất là quy trình tiếp xúc cử tri, quy trình giám sát chuyên đề, thẩm tra các báo cáo tờ trình, tổ chức các kỳ họp của HĐND. Thường trực HDND và các ban của HĐND tăng cường khảo sát và giám sát theo chuyên đề ở cơ sở; kiểm soát chất lượng kiến nghị và trả lời kiến nghị của cử tri; tăng cường giao ban chuyên đề, đối thoại tháo gỡ khó khăn, không để hình thành điểm nóng.
7. Năng lục lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể có nhiều đổi mới
Công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới trên tất cả các lĩnh vực. Vai trò lãnh đạo của cấp uỷ các cấp ngày càng rõ nét, sâu sát cơ sở gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên được coi trọng hơn, chặt chẽ hơn. Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị được triển khai nghiêm túc, sáng tạo.
Hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy được củng cố kiện toàn, sắp xếp theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả gắn với Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII. Từ 2012 đến 2018, phát triển 48 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Sau khi thành lập đảng bộ khối doanh nghiệp, số tổ chức cơ sở đảng đã giảm từ 64 xuống còn 43 đầu mối. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng viên, nhất là trong giai đoạn 2015 - 2020 có nhiều đổi mới thiết thực hiệu quả gắn với đề án số 01. Bồi dưỡng theo vị trí chức danh, bồi dưỡng chuyên sâu theo từng nhóm đối tượng, gắn bồi dưỡng với sát hạch đánh giá năng lực thực tế của cán bộ. Sau 15 năm thành lập, quận đã bồi dưỡng gần 200.000 lượt cán bộ đảng viên, công chức; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm gần 1.000 lượt cán bộ; phát triển 3.300 đảng viên mới.
Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát giữa các ngành luôn đổi mới, có sự phối hợp thống nhất giảm chồng chéo. Tập trung rà soát một số vụ việc nổi cộm, xây dựng lộ trình khắc phục gắn với thực hiện nghị quyết số 15-NQ/TU của Thành uỷ Hà Nội. Chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao gắn với vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Xử lý kỷ luật kịp thời đối với những trường hợp sai phạm. Công tác dân vận được triển khai gắn với thực hiện 6 quy chế dân chủ trên các lĩnh vực; triển khai các mô hình dân vận khéo. Tập trung chỉ đạo tăng cường đối thoại định kỳ và chuyên đề giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quvền với MTTQ và các đoàn thể nhân dân theo quyết định 2200-QĐ/TU của Thành uỷ.
Hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội có nhiều đổi mới, sát với nhiệm vụ chính trị của quận và cơ sở. Cuộc vận động Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa được MTTQ và các đoàn thể, cán bộ, nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hưởng ứng mạnh mẽ với tổng kinh phí đóng góp 15 năm qua là trên 18.55 tỷ đồng, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, xoá nhà tạm, sửa chữa nhà xuống cấp; hỗ trợ xây 218 nhà đại đoàn kết; tặng 2.300 sổ tiết kiệm với tổng kinh phí 2,34 tỷ đồng. Vai trò giám sát phản biện của MTTQ và các đoàn thể ngày càng đi vào thực chất; việc triển khai giám sát cán bộ đảng viên thực hiện tu dưỡng rèn luyện đạo đức theo quy định 214-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng được triển khai chủ động từ quận tới cơ sở.
8. Những thành tích quận đã đạt được
- 8 lần nhận Cờ thi đua Xuất sắc của Thành phố Hà Nội
- 5 lần nhận Cờ thi đua của Chính phủ
- 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
- Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008
- Huân chương Lao động hạng Nhất (vượt cấp) năm 2013
- 3 đơn vị thuộc quận đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì: Ủy ban Mặt trận tổ quốc, phòng Văn hóa thông tin, phòng Giáo dục và Đào tạo
- 6 đơn vị thuộc quận đón nhận Huân chương lao động hạng Ba: Ban Tuyên giáo, Ủy ban Kiểm tra, LĐLĐ, phòng Nội vụ, phòng Quản lý đô thị, hội Chữ thập đỏ
- Đảng bộ nhiều năm liền đạt Trong sạch vững mạnh.
Chặng đường lịch sử 15 năm xây dựng và phát triển (2003-2018), Đảng bộ chính quyền và nhân dân quận Long Biên đã chung sức đồng lòng, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng; không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực cố găng, dành nhiều thành tựu quan trọng góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị quận Long Biên, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với vai trò và sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đóng góp vào sự phát triển chung của thủ đô và đất nước.
Những kết quả đạt được sau chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển của quận Long Biên thật đáng phấn khởi và tự hào. Đó chính là động lực, là nguồn cổ vũ động viên mạnh mẽ và là tiền đề quan trọng để Long Biên tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, trên một tầm cao mới, xứng đáng là vùng đất giàu truyền thống, địa linh nhân kiệt.