Thực hiện Kế hoạch số 38 ngày 25/9/2020 của Trường Tiểu học Ái Mộ B về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, ngày 23/10/2020, Trường Tiểu học Ái Mộ B tổ chức cho 354 học sinh khối lớp 3 tham quan di tích lịch sử địa phương (Đình Lệ Mật - phường Việt Hưng và Đình Thanh Am - phường Thượng Thanh, quận Long Biên).
Đúng 8h30 phút đoàn chia thành 2 đoàn khởi hành: Đoàn 1 do đồng chí Phùng Thị Hồng Diên - Phó hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn. Đoàn 2 do đồng chí Hoàng Thị Bích Thu - Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn.
Điểm đến thứ Nhất trong chuyến tham quan là đình Lệ Mật thuộc phường Việt Hưng. Tại đây, giáo viên và các em học sinh đã dâng nén hương thơm tỏ lòng thành kính tới thành hoàng làng. Cùng với đó, đoàn tham quan đã được các cụ, các ông trong Ban di tích lịch sử của đình giới thiệu về lịch sử ra đời và ý nghĩa của đình Lệ Mật; cùng tham quan một số di tích, cổ vật trong đình.
Đình làng Lệ Mật là một ngôi đình cổ kính lâu đời đã trải qua nhiều triều đại tuy đã được nhiều lần trùng tu tôn tạo những vẫn giữ được lối kiến trúc nội công ngoại quốc. Đình được xây dựng từ triều Lý có kiến trúc đẹp với những đường nét trạm khắc hoa văn tinh xảo, tòa đại đinh chính được xây 7 gian 2 dĩ, mái đình chóng đỡ bằng các hàng cột gỗ lim to. Các cột đình được đặt trên một hệ thống tảng đá bằng nhau, trên tròn dưới vuông, tượng trưng cho âm dương càn khôn, nền đình được lát gạch vuông, từ thời khởi tạo đã được phân bổ thành từng mảng bục bệ có nền cao thấp khác nhau để phù hợp với các vai vế của các vị chức sắc trai đinh trong làng. Đặc biệt bên trên gian ống muống đằng trước ban thờ công đồng có một bức cửa võng có giá trị nghệ thuật rất cao, bức cửa võng có hình tượng Long Ly Quy Phượng, các đường nét hoa văn được khắc họa tinh xảo, cầu kỳ. Bức cửa võng được giát bằng vàng lộng lẫy tạo nên sự linh thiêng của di tích đình làng Lệ Mật. Hai bên cửa võng có một đôi câu đối nổi tiếng ghi lại công lao và thần tích của Đức Thánh Hoàng làng. Đình làng là nơi nhân dân tín ngưỡng thờ phụng và tôn vinh đức thánh thành hoàng làng. Đã nhiều đời nay, đình làng là trung tâm văn hóa tâm linh có truyền thống lâu đời của người thế hệ người dân Lệ Mật và nhân dân thập tam trại là nơi tổ chức và hội tụ các lễ nghi lễ hội. Sinh hoạt cộng đồng văn hóa thể thao.
Đình Lệ Mật nằm trong một cụm di tích quốc gia bao gồm đình và chùa làng Lệ Mật, tại phố Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên. Theo người dân làng Lệ Mật kể lại thì trước đây, đình Lệ Mật nằm ở vị trí khác, chính nơi đây là đất của chùa. Khoảng đầu thế kỷ trước, các cụ đã quyết định rời chùa sang bên phải để lấy đất dựng lại đình. Lời kể trên có thể xác nhận nhờ ở một số chân tảng đá kê cột có chạm cánh sen (chủ yếu ở chùa) đã được tái sử dụng để kê cột của Đại đình. Nghi môn bề thế được xây vào nửa đầu thế kỷ XX theo phong cách cổ truyền. Hai bên Nghi môn xây 2 tường hồi thấp nhô ra phía trước và sau rồi đều được kết thúc bằng 4 trụ lớn. Mỗi đỉnh trụ đều được gắn một Lân ngồi trong thế chầu vào. Phần trên của Nghi môn được làm theo kiểu lầu với ba kiến trúc tách rời, tạo thế Ngũ môn như để biểu hiện quy quyền to lớn của Thành hoàng làng. Rời Nghi môn, qua một khoảng sân rộng, hai bên có nhà Giải vũ, nơi dừng chân sửa lễ của dân Thập tam trại và các họ về lễ Thánh trong ngày hội…Chính giữa sân, trên trục Thần đạo là bức bình phong. Truyền rằng, trước đây, bình phong được làm đẹp hơn bây giờ, với mặt trước đắp nổi một Hổ vàng đang bước từ núi đá gập ghềnh xuống, mặt quay ra. Mặt trong đắp Rồng cuốn thủy, điểm xuyết những cụm mây cuộn. Tiếp sau bình phong là một sân rộng, nơi thường gắn với nhiều sinh hoạt của lễ hội, đặc biệt là việc diễn lại tích vị Thần đấu với Giảo Long. Ngay sau tòa Phương đình là tòa Đại đình. Về cơ bản, kiến trúc này gần như được làm lại hoàn toàn với kết cấu đơn giản, chạm khắc vừa phải…Tuy nhiên, nếu lọc kỹ về cấu trúc, chúng ta vẫn tìm thấy ở đây nhiều dấu tích từ khá sớm, mang giá trị nghệ thuật cao, đình này ít nhất đã có niên đại khởi dựng xấp xỉ 400 năm tuổi, là một trong không nhiều đình làng cổ nhất nước ta. Lùi vào cuối tòa Ống muống, thì dấu tích nghệ thuật với niên đại khoảng giữa và cuối thế kỷ XVII đã còn lại nhiều hơn. Đó là những đầu dư chạm Rồng khá chuẩn mực và sắc nét của đương thời, rồi một số mảng chạm vân xoắn và có thể cả một số chữ Hán nổi,…. Đình Lệ Mật hiện khá khang trang với nhiều đồ thời tự, lớp trong lớp ngoài nghiêm chỉnh mang giá trị tương đồng như ở nhiều di tích khác có cùng niên dại vào thế kỷ XIX-XX. Những con Rồng, Lân, Hổ phù, hoa lá cách điệu, những con Phượng đầy chất dân gian với động tác vô cùng sôi động, rồi những trụ lửng có tai treo đầu Rồng ở hai bên và đặc biệt là hình tượng Bát bửu gồm quạt vả và sừng, bút lông, hòm sách,…Tất nhiên, mỗi đề tài đều có ý nghĩa riêng và đều hướng tới mọi điều tốt lành cụ thể cho cuộc sống nơi trần thế, đó là những tác phẩm trau chuốt, tinh tế, đã góp một tiếng nói vào lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt.
Điểm dừng chân thứ hai trong chuyến tham quan là đình Thanh Am.
Trước đình là giếng hình bán nguyệt và hồ rộng với cánh đồng thoáng mát một màu xanh của lúa ngô khoai. Đình có quy mô kiến trúc lớn về chiều cao lẫn mặt bằng. Đình gồm 7 gian. Mái lợp ngói mũi hài, dạng 4 mái với các đầu đao uốn cong. Chính giữa bờ nóc đắp Mặt trời lửa, hai bên có Rồng chầu. Đường nách được chồng thưa, đầu ăn sâu chân mộng cột quân và cột hiên. Các hàng cột có quy mô lớn đặt trên những phiến đá tảng to dầy. Bộ khung gỗ của Đại Đình được trang trí tỉ mỉ nhằm làm giảm bớt sự nặng nề cho vì chồng dường. Các con dường được trang trí hoa lá vân mây,… bằng kỹ thuật chạm nổi, đường nét to mập cân xứng với kích thước của các dường. Đầu kẽ chạm sâu các hình Rồng Mây, phần trên cố hình tứ linh, tứ quý. Các câu đầu đều được gia công tỉ mỉ trau truốt. Dưới mái Đình cổ kính này cách đây hàng trăm năm, trải qua bao tháng năm ngôi Đình bị ảnh hưởng của thời gian và chiến tranh làm mất đi phần nào về giá trị và độ bền vững của ngôi Đình tưởng như không giữ gìn được. Song với ý thức của nhân dân từ lòng tôn kính của những lớp người đi trước đã để lại cho con cháu kế tục truyền thống tốt đẹp với ý thức, đạo đức biết kính trọng tôn thờ những người có công với nước, với dân để làm nền tảng giáo dục các thế hệ mai sau.
Đình Thanh Am - Phường Thượng Thanh đã được ghi nhận trong lịch sử. Đình thờ hai tướng võ thời Hai Bà Trưng là Đào Kỳ và Phương Dung, một Tướng văn thời Mạc là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - Danh nhân văn hoá lớn của dân tộc vào thế kỷ thứ 16, một con người đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp văn hoá dân tộc, để lại cho hậu thế những tinh thần sáng chói. Từ vua chúa, sĩ phu học trò và nhân dân trong nước đều kính trọng ông, không những về tài năng học vấn mà còn về đức độ khí tiết. Đó là tấm lòng yêu nước thương dân căm ghét bọn áp bức bóc lột gây chiến tranh để tranh dành quyền lợi. Hiện Đình Thanh Am còn lưu giữ hiệu Sắc phong, Câu đối, Thần phả,…
Chuyến thăm quan đã giáo dục học sinh các giá trị truyền thống dân tộc, tự hào về lịch sử địa phương quận Long Biên, đồng thời giáo dục học sinh thức bảo vệ môi trường, giữ gìn, chăm sóc, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa phương địa bàn Quận. Qua chuyến thăm quan, học sinh có kiến thức thực tế của địa phương. Qua đó giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Xây dựng khối đoàn kết trong lớp, tăng cường sự giao lưu giữa các học sinh trong khối.
Chuyến tham quan đã để lại nhiều ấn tượng và bài học lịch sử đối với thầy và trò Trường Tiểu học Ái Mộ B. Từ đây, các em học sinh thêm hiểu hơn về những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống của địa phương xung quanh nơi mình sinh sống. Từ đó, thêm yêu và tự hào quê hương, đất nước. Trong thời gian không xa, chúng tôi hy vọng rằng các em học sinh Trường Tiểu học Ái Mộ B sẽ có thêm nhiều và thật nhiều chuyến tham quan học tập thực địa ý nghĩa như thế.
Một số hình ảnh:
Hình ảnh: Các em học sinh ghi chép kiến thức về di tích lịch sử
Hình ảnh: Cô giáo Phùng Thị Hồng Diên thay mặt Ban giám hiệu nhà trường
cảm ơn Ban quản lý di tích
Hình ảnh: Các em học sinh chụp ảnh lưu niệm