Để phân hủy được rác thải nhựa, chúng ta cần thời gian là bao lâu?
Câu trả lời được đưa ra là túi nhựa cần ít nhất 100 năm, chai nhựa cần ít nhất là 200 năm. Như vậy trong hàng trăm năm đó, rác thải nhựa không mất đi và hệ lụy gây ra đối với môi trường là rất lớn. Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu.
Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa dùng một lần. Có nghĩa rằng, trong hàng triệu tấn nhựa sản xuất ra mỗi năm quá nửa trong số đó chỉ đem lại cho chúng ta cảm giác tiện ích trong ít phút như cốc nhựa, ống hút, túi ni lông… Sau đó, những thứ này bị vứt ra môi trường và trở thành những thứ đồ nhựa vô dụng. Nó tồn tại trong môi trường tự nhiên và trở nên vô cùng nguy hại.
Tại bãi rác của một làng tái chế nhựa lớn nhất của cả nước, người ta ước tính một tấn phế liệu nhựa, túi ni lông được đưa vào sản xuất sẽ thải ra đến 30% lượng rác thải không thể tái chế. Và cách xử lý duy nhất đối với loại rác thải đó là tập kết về bãi rác sau đó sẽ được xử lý thủ công. Đáng lo ngại là việc đốt rác theo cách thủ công đang ngày ngày “bức tử” sự sống, bởi theo các chuyên gia rác thải này khi cháy sẽ thải ra cả chất độc đi-ô-xin.
Rõ ràng thói quen sử dụng túi ni lông, nhựa dùng một lần có thể đem lại sự tiện lợi cho con người trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng ít ai ngờ nó lại là tác nhân đẩy môi trường đứng trước thảm họa ô nhiễm.
Thống kê của Bộ TN&MT cũng cho thấy, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm 7 - 8%, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi ni lông của cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".
Từ những con số biết nói như vậy, chúng ta không thể làm ngơ trước thảm họa “ô nhiễm trắng”. Để loại trừ hiểm họa từ rác thải nhựa, cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa đại dương; từ đó, giúp thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ rác thải nhựa ra môi trường; thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành trong hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, giúp chính quyền, người dân và doanh nghiệp tích cực thực hiện các giải pháp dài hạn để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường Tiểu học Ái Mộ B cũng nhận thấy rõ tác hại của rác thải nhựa nên Ban giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn phối hợp với Liên đội của Nhà trường đã triển khai tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa và cách phòng chống qua việc giáo viên lồng ghép giảng dạy cho học sinh trong các tiết học chính khóa và ngoại khóa. Bản thân mỗi thầy cô giáo luôn gương mẫu trong việc hạn chế sử dụng đồ dùng bằng nhựa, luôn hướng học sinh sử dụng tiết kiệm, giữ gìn sản phẩm bằng nhựa. Nhà trường bố trí chỗ để rác dễ thấy nhưng đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo mĩ quan khung cảnh sư phạm để học sinh để rác đúng nơi quy định.
Bản thân tôi và gia đình hiện nay cũng hạn chế sử dụng đồ nhựa như hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi chợ, chủ yếu dùng giấy báo đã đọc để bọc, gói thực phẩm, dùng túi bìa giấy đựng đồ; hoặc nếu có sử dụng thì sau khi dùng xong, mọi người trong gia đình không đưa vào thùng rác chung mà phân loại, thu gom để tái sử dụng hoặc để riêng để bán cho hàng phế liệu, cách làm đó vừa bảo vệ môi trường, vừa có thêm số tiền tiết kiệm.
Với cách làm trên, tôi hi vọng cuộc sống của chúng ta sẽ luôn tươi đẹp, đảm bảo an ninh, an toàn môi trường. Chúng ta hãy cùng “Nói Không! với việc sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa, chai nhựa,...” để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta!