Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới. Bởi “thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên”, Người chỉ rõ: “Trình độ văn hóa của Nhân dân nâng cao sẽ giáo dục chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của Nhân dân cũng là một việc làm cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
“Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Chính vì vậy mà Nghề nhà giáo là nghề đặc biệt "Dưới ánh sáng mặt trời không có nghề nào vinh quang bằng nghề dạy học", ở bất kỳ một chế độ xã hội nào, nhà giáo cũng được xã hội trân trọng và tin cậy. Vị thế của nhà giáo được tôn vinh xứng đáng; bởi lẽ "Nhà giáo là một hình mẫu về đạo lý, về trí tuệ, về nhân cách mà cả xã hội gửi gắm niềm tin". Nhà giáo là người chuyển tải văn minh nhân loại cho các thế hệ học trò. Là tấm gương cho học trò noi theo. Tôi đã công tác nhiều nơi, từ nông thôn đến thành thị, nơi đâu cũng có những thày cô khiến tôi ngưỡng mộ và trân quý. Nhưng có lẽ người để lại cho tôi tình cảm sâu đậm và sự cảm phục về tình yêu với nghề với học sinh và nhiệt huyết trong công việc là cô giáo Phan Thị Minh Phượng một người đồng nghiệp, một người chị và một người thầy của tôi. Điều đó được thể hiện qua công việc giảng dạy và giáo dục học sinh trong suốt 35 năm công tác của cô với sự ghi nhận của học sinh, phụ huynh. Nhiều năm liền cô hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Thành tích cô đạt được thật đáng tự hào:
Tháng 8 năm 1987, cô Phan Thị Minh Phượng được phân công về giảng dạy tại trường Gia Lâm B. Tháng 9 năm 1994 tách riêng cấp I và cấp II với tên Trường Tiểu học Ái Mộ. Năm 2015 trường Ái Mộ tách thành 2 trường là Tiểu học Ái Mộ A và Tiểu học Ái Mộ B, và cô Phượng đã gắn bó với Trường Tiểu học Ái Mộ B từ đó đến nay. Bằng tâm huyết, tình yêu nghề, trong quá trình dạy học, cô luôn trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Với 35 năm công tác, cô Phượng đã đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào:
- Năm 2001, cô Phượng đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp Huyện.
- Năm 2002, cô Phượng đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp Thành phố.
- Năm 2003, cô Phượng đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp Huyện.
- Năm 2004, cô Phượng được Giấy chứng nhận Sáng kiến kinh nghiệm loại C cấp Thành phố.
- Năm 2007, cô Phượng một lần nữa được Giấy chứng nhận Sáng kiến kinh nghiệm loại C cấp Thành phố.
- Năm 2010, cô Phượng đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp Quận - Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Dù tuổi đã cao, nhưng những bài giảng đều được cô đầu tư công sức và nghiên cứu soạn giáo án phù hợp, sáng tạo, khơi dậy niềm đam mê học tiếng cho các em học sinh, đầu tư có hiệu quả vào các giờ dạy có ứng dụng công nghệ thông tin. Cô là người tận tụy với công việc, hết lòng với học sinh. Đối với những học sinh có nhận thức chưa nhanh, kỹ năng thực hành còn chưa tốt, cô luôn dành thời gian để tìm nhiều hình thức để giúp các em như: Phụ đạo cho các em khi có thời gian sau các giờ học. Cô thường xuyên trò chuyện vui vẻ với các em để các em mạnh dạn và tự tin hơn trong giao tiếp với thầy cô và bạn bè, cô phân công bạn giỏi kèm bạn yếu, tổ chức hình thức đôi bạn cùng tiến và các hình thức khen ngợi động viên trẻ kịp thời. Nhờ đó, mà kết quả học tập của lớp cô phụ trách ngày một tiến bộ. Hàng năm, tỷ lệ học sinh của lớp cô phụ trách luôn vượt chỉ tiêu nhà trường giao.
Được sự tín nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường và sự quan tâm giúp đỡ của anh em đồng nghiệp, Cô Phượng nhiều năm được giao nhiệm vụ làm Tổ phó chuyên môn. Cô luôn có nhiều sáng tạo trong tổ chức sinh hoạt chuyên môn, giúp đội ngũ giáo viên trẻ tiếp cận nhanh và có chất lượng với phương pháp dạy sáng tạo và phát huy năng lực của học sinh. Không chỉ “truyền lửa” cho đồng nghiệp về sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết, cô giáo Phan Thị Minh Phượng luôn nỗ lực hoàn thiện mình và có để đem đến những điều tốt đẹp nhất cho học trò. Mặc dù sang năm học 2022 – 2023 cô đủ tuổi được nhà nước cho nghỉ chế độ nhưng để đáp ứng tốt nhất yêu cầu dạy học online trong thời kì phòng chống bệnh Covid-19, cô vẫn không ngừng học hỏi về công nghệ thông tin, tiếp cận các phần mềm mới trong dạy học, cô tự tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các bài học thành các thước phim hoạt hình, gắn nội dung bài học với các tình huống thực tế, biến giờ học vui như giờ chơi. Học sinh không chỉ hứng thú với bài giảng hơn, mà còn có sự gắn kết, biết yêu thương, chia sẻ cùng nhau. Để có làm được điều đó, ngoài tự học, cô còn ngần ngại trao đổi với đồng nghiệp trẻ để các bạn hướng dẫn cô những điều cô còn băn khoăn chưa thành thạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy online. Đúng như tinh thần cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để tự hoàn thiện mình.Đây chính là tấm gương về sự kiên trì, tinh thần học tập, ý chí khắc phục khó khăn để đồng nghiệp mỗi đồng nghiệp như chúng tôi học tập và noi theo.
Tôi còn nhớ, ngày đầu tiên về trường công tác, tôi đã được chị tâm sự và chia sẻ: Hiếm có nghề nào trong xã hội được ví “Kỹ sư tâm hồn” như nghề nhà giáo. “Kỹ sư” vốn là một từ chuyên môn dành cho các nghề và những người làm công việc thực hành kỹ thuật, chế tạo, thiết kế máy móc, vật liệu xây dựng. Còn “tâm hồn” là tình cảm, ý nghĩ, phản ánh đời sống tình cảm nội tâm, thế giới bên trong của con người. Ví nghề nhà giáo như “Kỹ sư tâm hồn” là khẳng định vị thế, sứ mệnh của nhà giáo trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, xây dựng, bồi đắp ý nghĩ, tình cảm tốt đẹp và làm giàu trí tuệ, hiểu biết cho học sinh. Một kỹ sư giỏi về thực hành nghề kỹ thuật nào đó có thể thiết kế, chế tạo ra một máy móc tốt hay góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Còn một “kỹ sư tâm hồn giỏi” có thể giáo dục, bồi đắp, đào tạo được nhiều thế hệ học sinh tốt. Thế nên, trong khoa học giáo dục, người ta coi giáo viên như một “cỗ máy cái”, tức là cỗ máy giữ vai trò nòng cốt, thiết yếu trong việc tạo ra chất lượng sản phẩm đặc biệt, đó chính là nhân cách (bao gồm cả phẩm chất, năng lực) học sinh.
Lúc ấy, nghe lời chị tâm sự, tôi bất chợt nhìn lên hàng chục tấm bằng khen, danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp tôi càng thêm trân quý người “Kỹ sư tâm hồn” đáng mến này. Và hiểu chị yêu thiết tha nghề giáo, bởi đó là nghệ thuật “trồng người” đẹp đẽ, tinh khôi để góp phần tỏa hương ngát thơm cho cuộc đời; đồng thời chị luôn giữ trọn tâm trong đức sáng để lắng đọng một chút tâm hồn thanh bạch lòng mỗi học trò của mình.