Năm học 2017- 2018, tôi được phân công chủ nhiệm và giảng dạy lớp 4A5- một lớp học cũng có nhiều điểm “đặc biệt” so với các lớp học khác trong trường. Nổi bật trong lớp có cậu học sinh có cái tên khá hay Nguyễn Hoàng Minh. Cái tên Hoàng Minh khá quen thuộc với các thầy cô giáo và học sinh trong trường. Bởi vì không phải em học sinh ấy đạt nhiều thành tích trong học tập, cũng không phải em tham gia và đạt thành tích cao trong các hoạt động Đội mà học sinh ấy “Nổi tiếng” bởi vì em đạt nhiều các “Chiến tích” như: Hay quên sách vở, không học bài, không viết bài, thường xuyên có chuyện xích mích với bạn thậm chí còn khó nghe lời cô giáo,… Các cô giáo dạy bộ môn Năng khiếu – Tự chọn cũng có nhiều trăn trở mỗi khi có tiết dạy của lớp vì thật sự “Mệt” với cậu học trò này. Năm lớp 3, nhiều lần cô giáo chủ nhiệm đã mời bố mẹ đến trao đổi nhưng em chưa có nhiều tiến bộ.
Năm nay, tôi đón nhận lớp, nắm được tình hình cơ bản của lớp và một số thông tin của học sinh hiếu động. Đặc biệt cô đi tìm hiểu sâu về hoàn cảnh của cậu học sinh Hoàng Minh thì thấy cậu học trò đó cũng có một cuộc sống rất “Hoàn cảnh”. Bố mẹ lục đục, bỏ nhau. Mẹ bỏ đi từ khi cậu mới 5 tuổi, bố lại không công ăn việc làm ổn định cũng đi suốt để lại hai chị em cho bà nội chăm lo, dạy dỗ. Bà nội già yếu, bệnh tật, ốm đau thường xuyên lại chỉ sống bằng đồng lương hưu eo hẹp. Cảnh ba bà cháu sống chăm nhau khiến bà con lối xóm đều thương cảm.Từ khi biết rõ hoàn cảnh đáng thương của cậu, cô nhận thấy “Đây không phải là học sinh hư mà chỉ là học sinh chưa ngoan”. Do sự thiếu thốn tình cảm, sự yêu thương gần gũi và sự quan tâm chăm sóc đã tác động xấu đến tâm lí của cậu. Vì thế, tôi đã dùng biện pháp giáo dục chủ yếu là TÂM LÍ. Tôi gần gũi với em hơn, rộng lòng tha thứ cho những lỗi nhỏ của em và phân tích giảng giải nhẹ nhàng cho em hiểu đồng thời luôn tạo điều kiện cho em sửa chữa và tham gia các hoạt động của lớp, giao thêm trọng trách trong công việc để cậu thấy vai trò của mình và có trách nhiệm như: bầu làm lớp phó phụ trách vệ sinh và văn minh. Từ khi được làm cán bộ lớp, Minh có những tiến bộ rõ rệt: Chưa bao giờ đi học muộn, sách vở đầy đủ, không xích mích hay mâu thuẫn với bạn bè,…. Em còn nhắc nhở các bạn giữ vệ sinh chung. Những việc làm của em đều được khen ngợi trước tập thể lớp. Mỗi lần như vậy, tôi còn thưởng cho cậu 1 cái kẹo, 1 cái bánh, có hôm được tưởng 1 cái bút chì,…..Từ những quan tâm của tôi khiến cậu học trò “Nghịch ngợm” ấy đã thay đổi bất ngờ. Em luôn gần gũi và tâm sự với cô về những sở thích những mong ước của mình,…Từ một học sinh chưa ngoan, trong thời gian 3 tháng, Hoàng Minh đã có sự tiến bộ vượt bậc. Các bạn trong lớp, các thầy cô giáo, phụ huynh và bà nội đều ngạc nhiên và vui mừng.
Trong ngày kỉ niệm Phụ nữ Việt Nam 20-10 vừa qua, lớp có tổ chức cho các bạn cuộc thi “Nặn bánh trôi nước”, Hoàng Minh tham gia rất tích cực và đoàn kết với các bạn. Em còn mang bánh lên mời cô ăn và còn mang về làm quà biếu bà. Khi cô cho các con nghe bài hát “Nhật kí của mẹ”, em xúc động và bật khóc nức nở. Em rất yêu quý cô giáo, trong giờ kĩ thuật, học bài Khâu đột đưa, Minh miệt mài khâu hình trái tim tặng cô. Có những hôm tan học, cậu cứ nấn ná ở lại. Tôi hỏi: “Sao con chưa về? “. Em tròn xoe mắt và tủm tỉm nói: “Con muốn ở lại chơi với cô và giúp cô dọn dẹp lớp.” Nghe cậu học trò nói vậy, khóe mắt cô cay cay và bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết.
Nhìn sự tiến bộ hàng ngày của cậu, lòng tôi vui sướng biết nhường nào. Đúng là “Không có học sinh hư chỉ có học sinh chưa ngoan”. Yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu.
Một số hình ảnh về Nguyễn Hoàng Minh:
Hình ảnh: Nguyễn Hoàng Minh trong một giờ Hoạt động tập thể
Hình ảnh: Hoàng Minh nặn bánh trôi cùng các bạn lớp 4A5
Hình ảnh: Nguyễn Hoàng Minh chụp ảnh kỉ niệm cùng cô giáo chủ nhiệm và các bạn