“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em người giáo viên nhân dân. Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng, trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ. Như chim bay về khắp miền, em lên đường, tung bay xa nhiều thế hệ cháu Bác Hồ.Tự hào như em người chiến sĩ văn hóa. Lớn lên trong chiếc nôi Việt Nam”.Vâng lời bài hát Bài ca người giáo viên nhân dân cứ ngân nga mãi trong lòng tôi về vẻ đẹp đáng tự hào, thiêng liêng của nghề trồng người. Người chiến sĩ văn hóa đem tình yêu, gieo bao mầm xanh cho đời đó là cô giáo Dương Thị Bích Hường - Giáo viên trường Tiểu học Ái Mộ B – Long Biên – Hà Nội. Cô giáo và tôi không những là đồng nghiệp của nhau mà ngoài đời chúng tôi còn là chị em thân thiết nên tôi hiểu và yêu quí, nể phục cô vô cùng. Cô sinh năm 1972 - độ tuổi đã chín về tuổi đời và kinh nghiệm trong cuộc sống và công tác. Năm 1992, cô giáo Dương Thị Bích Hường được nhận quyết định về trường Tiểu học Ái Mộ B giảng dạy. Với 25 năm trong nghề, cô đã có 20 năm là giáo viên lớp 1. Có người nói, lớp 1 chỉ có dạy biết mặt chữ và cộng trừ đơn giản là xong. Nhưng không phải vậy, các đồng nghiệp của tôi thường chia sẻ với nhau là khi nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 1, thầy cô nào cũng phải chuẩn bị tinh thần “sắt”. Vì sao vậy? Bởi các em đang trong giai đoạn chuyển “từ chơi sang học”, giáo viên thường xuyên phải đối mặt với không ít tình huống không hề có trong giáo án. Bởi vậy các cô gặp phải khó khăn như:
Giờ học trò ngủ trưa có lẽ là khoảng thời gian duy nhất trong ngày mà cô được dừng để thở. Mà cũng chỉ sang tuần thứ 4 của năm học mới được như vậy, bởi trong những tuần đầu tiên, trò ngủ cô vẫn phải canh chừng, hướng dẫn từ lật bàn, từ cách rửa tay trước khi ăn, hướng dẫn chỗ nằm….Với thâm niên 25 năm liền dạy và dỗ các em nhỏ nhất trường nhưng năm nào cô cũng gặp các tình huống khác nhau. Nào là học sinh đi vệ sinh, có em khóc đòi về, có em đang giờ học gục xuống ngủ ngon lành, có em bắt cô bế không chịu rời… Tiết học gần đây nhất, cô phải dừng dạy giữa chừng cùng nhân viên tất tả “dọn dẹp hiện trường” vì học sinh “ị” trong lớp. “Đây là chuyện thường ngày của giáo viên lớp 1 những tuần đầu năm, có hôm nhiều em "đi giải quyết" cùng lúc, cả buổi cô loay hoay dọn dẹp. Dù đã được nhắc khi nhắc khi có nhu cầu thì xin phép cô ra ngoài nhưng nhiều em nhút nhát hay vì mải chơi,... không xin. Vừa giận lại vừa thương các em, lúc này cô phải tìm cách an ủi trò để các em không thấy xấu hổ với bạn bè”.
Những ngày đầu đến lớp, nhiều học sinh khối lớp 1 không chịu vào lớp, chỉ ngồi trước cửa lớp khóc đòi bố mẹ. Cô thuyết phục lẫn canh chừng học sinh nhiều ngày liền. Nếu như học sinh các khối khác đã quen với việc học, sinh hoạt ở trường lớp, giáo viên dễ dàng bắt đầu chương trình học thì ở khối 1, giáo viên phải vượt qua giai đoạn khó khăn giúp các em thích nghi, thay đổi thói quen chơi là chính ở bậc mầm non sang việc học. Các em cần được trau dồi hàng loạt kỹ năng như ngồi thẳng lưng, cách cầm bút, cách giơ tay…
Hơn nữa, việc lớp học quá tải, việc “bên lề” nhiều nên việc dạy của thầy cô khối 1 cũng lắm gian nan. Cô chia sẻ: “Tuy vào lớp 1 nhưng kiến thức học sinh trong rất chênh lệch. Có em được phụ huynh cho học trước nhiều quá, có em thì đến viết cũng chưa cầm được. Mà thời gian học chỉ có chừng ấy nên thầy cô phải chú ý từng em để có phương pháp dạy sao cho hợp lý nhất”.
Có thể nói đây là khối học duy nhất, thầy cô vừa phải uốn nắn học trò từ những việc nhỏ nhất, đồng thời phải chia sẻ cả phụ huynh vì nhiều người thiếu kỹ năng giúp con vào lớp 1. Chưa hết, không ít phụ huynh liên tiếp gọi điện cho giáo viên hỏi thăm tình hình con hoặc trực tiếp gặp mặt giáo viên.
Đứng trước thực tế đó, đòi hỏi người giáo viên phải phấn đấu không ngừng để thực sự trở thành nhà giáo dục có năng lưc sự phạm vững vàng, có óc tổ chức, quản lý, chỉ đạo các hoạt động. Cô giáo tâm niệm một mình người giáo viên tốt thì cũng không thể hoàn thành tốt mọi công việc. Bản thân các cô khi được giao dạy lớp 1 biết là mệt nhưng cô đều phải sẵn sàng tinh thần giải quyết các tình huống bằng nghiệm vụ sư phạm của mình. Cô Hường nói: “Giáo viên lớp 1 cực nhưng đòi hỏi phải kiềm chế giỏi nhất. Đối tượng học sinh lần đầu đi học, ấn tượng về giáo viên quyết định rất lớn đến việc các em có thích học, thích đến trường hay không”. Cô luôn tự nhắc nhở mình dù có chuyện gì cũng phải hết sức bình tĩnh, nhẹ nhàng, ân cần với học sinh. “Đầu năm, nghe giáo viên lớp 1 kể chuyện là vừa khóc vừa cười. Vất vả thật nhưng cô đều hiểu được vai trò quan trọng của mình giúp học sinh thích nghi với nền tảng kiến thức đầu tiên trong cuộc đời. Khi thấy học sinh tung tăng vui cười, cô lại quên hết mệt mỏi”. Cùng học sinh vượt qua “cửa ải” đầu đời, có lẽ không niềm vui nào có thể sánh được với nhà giáo “chuyên trị” lớp 1. Như cô Bích Hường chia sẻ: “Có thể nói giáo viên lớp 1 là những người xây viên gạch kiến thức đầu tiên cho các em. Niềm vui, thành quả của họ không gì ngoài niềm vui đến trường, yêu bạn bè, thầy cô…của những học trò nhỏ. Có những học trò chỉ học mình lớp 1 thôi, sau này trưởng thành vẫn quay về để cảm ơn cô, đó là niềm hạnh phúc lớn lao của nhà giáo”.
Cô luôn tự trang bị một cách hoàn chỉnh những kiến thức khoa học cũng như kinh nghiệm cuộc sống và đặc biệt cô cho rằng trên hết là tình yêu nghề, lòng yêu thương con trẻ, say mê, trách nhiệm trong công việc sẽ khiến cho mọi khó khăn, thử thách bị đẩy lùi. Nhưng những ngày mới vào nghề, kinh nghiệm của cô giáo về hoạt động Đội còn non nớt, đôi lúc cô rơi vào những tình huống mà không biết phải xử lý ra sao cho thấu tình đạt lý. Cô giáo đã mất không biết bao đêm miệt mài trăn trở làm thế nào để cho các em nắm được bài, làm thế nào các em thích học, ….Vâng rất, rất nhiều câu hỏi đặt ra và sau bao nhiêu năm công tác cô đã để lại trong lòng không chỉ những thế hệ học trò nhớ đến ngay cả những phụ huynh có con học còn muốn gửi cả cháu bởi ở cô thấy được lòng nhiệt thành, thấy được sự tâm huyết với trẻ. Ngay bản thân tôi, chị luôn là tấm gương để tôi học tập, phấn đấu.
Bằng sự ham học hỏi, ý chí và nghị lực, tình yêu của mình, cô đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi cấp Quận, có sáng kiến kinh nghiệp cấp Thành phố. Không chỉ vậy, cô còn là người mẹ tuyệt vời của hai đứa con: Cháu Tạ Thanh Mai với thành tích 12 năm liền là học sinh giỏi, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Toán loại giỏi và hiện nay em là cô giáo năm đầu tiên tại trường THCS Gia Thụy. Cháu thứ 2 là Tạ Quốc Bảo là học sinh lớp 12 em cũng có 11 năm là học sinh giỏi và đạt giải Nhất thi giải Toán bằng Tiếng Việt năm học lớp 9.
Có thể nói, để có được những thành công trên, cô đã áp dụng triệt để và hiệu quả những phương pháp sau: Cô luôn sống chan hòa, gần gũi, cởi mở, coi học sinh như những người bạn, trò chuyện với các em để biết được tâm tư, nguyện vọng của các em rồi từ đó tìm ra các phương pháp dạy học cho phù hợp, hiệu quả, tạo không khí thoải mái, vui tươi trong mỗi tiết dạy để giúp các em tự tin bộc lộ tối đa những khả năng của mình. Cô chịu khó lên mạng Internet tham khảo kiến thức, chăm chỉ đọc sách, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, thường xuyên trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tổ chức nhiều trò chơi bổ ích, lý thú phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh lớp 1. Phối hợp với cha mẹ học sinh để kịp thời đôn đốc các em việc học tập, rèn ý thức tự chủ, sáng tạo, tích cực trong giao tiếp, lĩnh hội kiến thức.
Có thể khẳng định trong cuộc sống cũng như trong công tác, cô giáo Bích Hường cũng luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, điều đó đã để lại niềm cảm phục, yêu mến không chỉ với riêng tôi mà còn nhiều học sinh và đồng nghiệp, phụ huynh học sinh. Mỗi khi gặp khó khăn, tôi luôn nghĩ về tấm gương mẫu mực của cô giáo Dương Thị Bích Hường để làm nguồn động viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng người, ươm mầm xanh cho tương lai đất nước.