Đôi mắt trong veo
Rụt rè em bước
Lần đầu tới lớp
Mùa thu khai trường. |
|
|
Bạn mới sắp hàng
Cô đưa vào lớp
Giọng cô dịu dàng
Tay cô ấm áp. |
Cô uốn từng nét
Cô dạy từng trang
Bầy chim chăm ngoan
Líu lo ca hát. |
|
|
Cô chăm em ăn
Cô chăm em ngủ
Giấc trưa say nồng
Những bông hoa nhỏ. |
Sáng ôm cổ cô
Chiều sà lòng mẹ
Bầu trời tuổi thơ
Tình yêu chan chứa. |
|
|
Thời gian trôi mau
Mùa hè vẫy gọi
Em lên lớp hai
Yêu thương nhớ mãi… |
Tôi bước vào nghề đã hai mươi năm rồi. Là cô giáo, tôi đã chở biết bao nhiêu “chuyến đò” học trò qua sông, lại đón những lứa học trò mới theo từng năm, từng tháng. Học trò của các thầy cô có thể ở các lứa tuổi khác nhau. Nhưng học trò của tôi đặc biệt lắm, đáng yêu lắm, ngây thơ lắm, thậm chí rụt rè nữa - những cô bé, cậu bé học sinh lớp Một. Thường thì “tốt nghiệp” mầm non ít hôm là các con gặp tôi rồi.
Mỗi ngày Khai giảng hàng năm, khi tôi đón các em vào lớp, lòng tôi rưng rưng nhớ về câu chuyện “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh. Tâm trạng những cô cậu học trò của tôi chẳng khác gì chú bé trong câu chuyện, vừa rụt rè, vừa háo hức, được ví “như những cánh hoa giữa bầu trời quang đãng” - thật đáng yêu làm sao! Và năm nào cũng vậy, vượt qua những rụt rè ban đầu, những cô bé cậu bé của tôi nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, với thầy cô và bạn mới, chăm ngoan và giỏi giang.
Ấy vậy mà năm nay, một năm chưa từng có trong cuộc đời giáo viên của tôi.
Năm mà đại dịch Covid-19 hoành hành ở khắp mọi nơi trên thế giới. Trẻ em ở nhiều nơi không được đến trường, không được gặp trực tiếp thầy cô và các bạn, phải cách li hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Và đối với học sinh lớp Một thì thử thách này còn nhân lên nhiều lần.
Để khắc phục việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên cũng như trường của tôi đều đã có những buổi tập huấn rất kĩ để chuẩn bị tốt nhất cho việc phải tổ chức học tập online. Tôi với vai trò là giáo viên chủ nhiệm cũng đã họp với phụ huynh để đồng hành cùng con, hỗ trợ các con. Tuy nhiên, sau tất cả những chuẩn bị, vì chưa có tiền lệ, cho nên cũng đều là những thử thách giành cho cả cô và trò.
Thế rồi ngày Khai giảng cũng diễn ra, các học sinh lớp Một của tôi dưới sự hướng dẫn và trợ giúp của bố mẹ đều thực hiện tăm tắp những điều cô giáo đã dặn. Tôi cũng bước đầu cảm thấy yên tâm. Rồi các con được nghỉ luôn ngày hôm đó sau Lễ Khai giảng.
Hôm sau, bắt đầu buổi học đầu tiên với thời khóa biểu học tập chính thức, cô và trò phải chính thực giảng dạy và học tập online. Tôi đi hết từ những bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đầu tiên là các con chưa biết viết, biết đọc, tôi chỉ có thể nói. Mà nói thì các con rất khó tập trung, chỉ ít phút đã có bạn quay ngang quay dọc, tôi phải nhờ từng phụ huynh nhắc nhở. Nhiều con thì kêu buồn ngủ, muốn uống nước, đi vệ sinh,... Giờ tập viết mới thật căng thẳng. Thường thì tôi uốn từng nét, các con trên lớp nhanh biết viết lắm. Bây giờ mô tả bằng lời, theo từng ô li, mấy nét sổ thẳng, sổ ngang, nét khuyết... đều khiến trò lúng túng mãi không viết theo được. Mà các con lại cũng phải nghỉ hầu hết năm sáu tuổi tại trường mầm non nên đã quên cả chữ cái và chữ số nữa.
Khó khăn là vậy, thế mà tôi cứ thấy lớp có cô bé mặt mũi nhanh nhẹn tên Hoàng Thục Nhi thỉnh thoảng lại biến mất khỏi màn hình. Có lần tôi gọi, còn không thấy con thưa nữa. Tôi liên lạc với phụ huynh, mới vỡ lẽ là nhà con không có người lớn ở nhà. Con và anh con trứng gà trứng vịt, anh phải học lớp của anh, em phải tự học lớp của em. Và còn thêm một nhiệm vụ nữa là trông một em bé trai của em- ba tuổi rưỡi, nấu cơm và cho em ăn nữa. Mẹ em bảo, nhà vất vả quá, cô giáo cố gắng thông cảm cho bố mẹ con, không ai ở nhà kèm cùng cô giáo được. Tôi đáp vâng mà lòng đầy lo lắng.
Cuối buổi học, tôi mới để ý kĩ đến Nhi. Em là một cô bé nhỏ xíu, có thể nói là còi cũng được. Nước da ngăm ngăm, đôi mắt sáng và nhanh nhẹn. Khi tôi hỏi, em nói luôn một hơi:
- “Cô ơi con háo hức chờ mong ngày được đến trường, con tưởng tượng sẽ được cô giáo đón con từ cửa lớp. Cô sẽ cầm tay con, dẫn con vào chỗ ngồi. Con sẽ khoanh tay ngoan ngoãn, mắt nhìn lên bảng. Chả mấy chốc cô giáo của con sẽ dạy con và các bạn của con biết đọc ro ro, thật là thích! Con sẽ đọc hết những quyển truyện, quyển sách ở nhà mà bấy lâu con chưa tự đọc được. Thế mà con phải học online sao? Học online là học thế nào hả cô? Mà học cả buổi hôm nay rồi con vẫn chưa đọc được chữ...”.
Tôi phải nén cười, bảo con rằng:
- “Tất cả các con nếu chăm chú nghe cô giảng và làm theo những lời cô dặn thì ai cũng đọc giỏi và viết đẹp, làm toán chính xác”.
Tôi hỏi thêm, lí do con hay ra ngoài mà không xin phép. Con đáp:
- “Em con muốn đi vệ sinh là con phải đưa đi ngay cô ạ, lại còn hay đòi ăn nữa”.
Tôi đành nhắc thêm con, đồng ý cho phép riêng Thục Nhi có thể không xin phép chạy đi, và nhắc con phải thật tự giác trong mỗi lúc như thế. Xong việc là phải vào tiếp tục học ngay. Thật sự là để các bạn nhỏ này tập trung còn khó, lại vừa học vừa phải trông em nữa, thật khó khăn biết bao. Buổi học kết thúc.
Ngày lại ngày, tôi phải hướng dẫn các con từng chi tiết nhỏ một. Từ cách mở trang sách, cách cô và trò sẽ làm như thế nào qua khi học “online”. Đồng ý: gõ số 1; không đồng ý gõ số 2; xin phép phát biểu gõ số 3; ra ngoài gõ số 4... Các con chăm chú nghe cô, hiểu rằng như thế, như thế… Mấy hôm đầu tan học cũng còn chưa xong cả nội dung bài học, tôi đề xuất rèn thêm các con vào buổi tối nữa. Mà tối từ 7h-8h thì bố mẹ của bạn Thục Nhi cũng vẫn chưa về. Tôi lại phải rèn thêm con sau nữa. Rèn cả tuần cả lớp mới tạm gọi là vào nề nếp một chút, cả tháng đầu năm học mới tạm ổn để có thể chuyên tâm vào giảng dạy phần chuyên môn.
Cô và trò cùng cố gắng. Tôi cũng phải thay đổi thêm những phương pháp mới, lồng ghép nhiều trò chơi và hình ảnh, âm thanh sống động để thu hút các con hơn. Mỗi ngày từng chữ o, a dần hiện ra rõ nét. Rồi đến ghép vần, dạy đọc từng chữ một. Lắm khi nhìn các con mở mic đọc đồng thanh theo cô như hơn ba mươi chú chim hót trên màn hình mà dễ thương quá đỗi. Hót hào hứng nên hót rõ to. Cô và trò tương tác được với nhau nhiều hơn, các con cũng học tốt dần lên. Phải nói rằng, trong tất cả các con trên lớp, Thục Nhi thay đổi hẳn và tiến bộ nhiều nhất. Tôi cũng để ý hơn khi giảng bài, con mà chạy ra ngoài chăm em là tôi biết, lúc con vào tôi tóm tắt nhanh lại phần vừa học để con hiểu và tiếp tục được bài giảng. Hôm nào mà thấy lâu lâu mới vào là tối hôm đó tôi phụ đạo thêm cho con một lúc. Tôi cũng để ý, thả tim cho con nhiều để động viên. Mỗi lần được thả tim, cô bé cười sung sướng, mắt lấp lánh.
Hôm sơ kết học kì I, tôi khen các con thật nhiều. Bạn nào cũng vui. Tôi có hỏi Thục Nhi:
- “Nhi đã biết đọc rồi. Nhi có vui không?
Con trả lời:
- “Có cô ạ, con chẳng còn thấy mấy con chữ là một bí mật nữa. Con đọc được hết. Con còn đọc trơn được nữa rồi cô ạ. Tối nào mẹ đi làm về, con cũng khoe mẹ hôm nay con được cô dạy chữ gì, học những trang nào trong sách giáo khoa, cô hướng dẫn đọc thêm ở đâu và con đọc to tướng lên cho mẹ nghe”.
- “Bố con còn cười bảo, nhà có con vịt con ở đâu mà cứ đọc cạp cạp thế? Chắc sắp tự đọc được sách cho mình nghe rồi!”
Ngay từ đầu năm học, tôi hứa bạn nào đọc giỏi, sẽ tặng nhiều quà. Thế mà tình hình dịch bệnh căng thẳng, cũng chẳng được ra khỏi nhà nên lời hứa mãi vẫn chưa thực hiện được. Thỉnh thoảng, đám trẻ lại hỏi thăm xem đã sắp nhận được quà chưa mà tôi áy náy quá chừng. May quá, đến lúc kết thúc học kì một thì nhà trường phát thêm sách cho các con, thế là tôi nhân tiện gửi quà tặng đến các con luôn. Các phụ huynh có giấy đi đường sẽ đến trường để lấy. Tôi đặt sách vở, bút từ trước nên hàng về kịp, gửi ngay để động viên các con. Mỗi bạn có vở, có bút, có sách luyện tập. Tôi còn in cho mỗi con những hình của các con mà tôi chụp trong quá trình giảng dạy, in màu cho các con một cái ảnh màn hình chung để các con nhớ mặt cô giáo và các bạn. In xong tất cả, tôi in cả tên từng con và lời chúc dán lên bên ngoài phần thưởng. Tôi cũng không quên mua ít kẹo cho vào cặp của từng con, riêng Thục Nhi tôi thêm cho con thật nhiều kẹo vì con có cả em nữa.
Hôm sau là ngày rộn ràng, con nào cũng vui khi nhận được quà. Riêng Thục Nhi nói:
- “Con cảm ơn cô, con vui lắm! Mà sao cô tài thế, sao cô biết con thích ăn kẹo ạ?”
Tôi cũng vui lây niềm vui của các con. Dạy và học online ban đầu thật khó khăn, nhưng dần dần cô trò cũng vượt qua. Tôi muốn các con không cảm thấy buồn khi học online, nên giới thiệu thêm cho các con nhiều quyển sách hay cho thiếu nhi như: Dế mèn phiêu lưu kí, Cái tết của mèo con, Quê nội, Góc sân và khoảng trời, Mười vạn câu hỏi vì sao, từ điển loài vật, từ điển thực vật... để các con tự đọc thêm. Khi biết đọc, các con sẽ tự khám phá những thế giới mới lạ sau những trang sách! Các con vừa xem tranh, vừa nên đọc được thành tiếng. Nếu các con không có sách giấy, có thể đọc online.
Thế là các con say sưa đọc, tôi bèn tổ chức một vài lần lúc sinh hoạt để các con thảo luận thêm về những quyển sách, bài thơ, câu chuyện đã được đọc. Không ngờ, các con lại hào hứng đến như vậy. Đặc biệt là Thục Nhi, con có thể đọc được rất nhiều sách tôi hướng dẫn, cũng là thành viên tích cực trong mấy buổi thảo luận vừa rồi. Con còn hướng dẫn các bạn đọc đúng cách, đọc diễn cảm nữa.
Thế là tôi triển khai đọc sách và thảo luận theo tuần, các con hăng say, chăm chỉ đọc và hiểu. Những giờ chính tả, tiếng việt không làm khó được các con học sinh của tôi. Các con tiến bộ lên nhiều. Tôi cũng tìm hiểu thêm thì biết rằng, Thục Nhi rất chịu khó đọc sách. Mẹ em là người đưa em đến với thế giới của những trang sách đầu tiên. Những ngày còn nhỏ, mẹ em thường chọn những quyển sách có hình ảnh sinh động, nhiều màu sắc cho em. Mẹ giở từng trang sách có hình ảnh đẹp, ngộ nghĩnh giơ cao lên trước mặt cho em làm quen. Hồi đó thì em chắc cũng chẳng còn nhớ gì nhưng hình ảnh những trang sách đáng yêu, ngộ nghĩnh đã gắn bó với em từ thuở bé thơ cho đến khi lớn dần. Em mong nhanh được đi học như anh trai của em, khi đó, em sẽ tự đọc sách một mình! Đó có lẽ là lí do, là động lực để cô trò nhỏ của tôi có thể nhanh chóng vượt qua những khó khăn, học tập ngày càng tiến bộ hơn. Dù có phải học tập trong hoàn cảnh khá đặc biệt nhưng em đã luôn tập trung và cố gắng.
Cuối năm học, Quận Long Biên và sau đó là thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi: “Đại sứ văn hóa đọc”. Tôi đã biết sẽ cử học sinh cưng của tôi là Hoàng Thục Nhi tham dự. Thành công thật bất ngờ: Con đạt giải nhất cấp quận và giải nhì cấp thành phố của cuộc thi. Tôi vui và hạnh phúc lắm, con là minh chứng cho việc vượt khó của cô và trò khi dạy và học online. Hơn thế nữa tôi đã phần nào giúp con nuôi dưỡng ước mơ đọc sách, tìm hiểu tri thức của con và các bạn trong lớp, lan tỏa văn hóa đọc sách trong lớp, trong trường.
Một niềm vui hơn nữa: Gần cuối năm học, tôi và các con được gặp mặt trực tiếp. Cô trò được dạy và học với bảng đen phấn trắng thực sự. Nhìn những đôi mắt đáng yêu của các con, tôi hiểu và cảm nhận nhiều hơn về ý nghĩa và sứ mệnh của tôi - một cô giáo đón những học sinh lớp một lần đầu cắp sách đến trường.